Chùa Thầy Hà Nội có tên gọi khác là Thiên phúc Tự toạ lạc tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm thủ đô 30km về hướng Tây Nam. Chùa Thầy mang vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, giá trị sử văn hoá cao, tạo nên điểm du lịch hấp dẫn. Chùa hiện lên với một vẻ đẹp núi non hùng vĩ, trong không gian yên tĩnh, dưới sương mờ ảo của dòng người tấp nập đi lễ chùa.
Ở Hương Sơn có chùa Hương là danh lam thắng cảnh bao đời thì ở Sài Sơn có chùa Thầy nổi tiếng từ lâu. Nơi đây cũng là danh lam thắng cảnh quần tụ nhiều ngôi chùa lớn nhỏ và cũng lắm hang động, với những cái tên vừa gợi hình vừa gợi ý, nhiều cảnh tượng thú vị như là hang Cắc Cớ, hang Bụt Mọc, hang Thánh Hoá, động Gió Lùa, chùa Cao, chùa Một Mái, chợ Trời, Ao Rồng, Thuỷ Đình… Giữa quần thể đó, chùa thầy là trung tâm, với bao niềm ước mong của những người yêu thích ngoạn cảnh, hành hương, để tìm lẽ sống niềm tin trong đời.
Chùa Thầy Hà Nội thờ phụng Đức phật Thích Ca, ngoài ra còn có Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, một bậc chân tu có lưu danh trong lịch sử. Chùa toạ lạc tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Hàng năm có tổ chức lễ hôi từ ngày mồng 5 tới ngày mồng 7 tháng ba âm lịch, cũng còn trong độ tiết xuân. Ngày lễ chính hội là ngày mồng 7 luôn làm hấp dẫn mọi người, đặt biệt là đối với thanh niên nam nữ, có câu ca nói về ngày hội này từ lâu.
Nhớ ngày mồng bảy tháng ba
Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy.
Cảnh quan chùa Thầy Hà Nội là cả một kiệt tác của vừa thiên tạo vừa nhân tạo. Giữa vùng đất “bán sơn địa” này, nhấp nhô đây đó những núi Voi, núi Phượng, núi Đồng Tử, núi Tử Trầm, núi Tiên Lữ, hướng về ngọn Sài Sơn tuyệt đẹp.
Thiên Nam danh thắng đâu xa,
Sài Sơn một cảnh thực là xinh xinh.
Sài Sơn là tên núi, cũng là tên xã thuộc huyện Quốc Oai. Nơi đây còn là “địa linh nhân kiệt”, vẫn còn nguyên truyền thuyết lưu giữ trong dân gian về chiến công của tướng Lữ Gia chống quân xâm lược nhà Hán phương Bắc từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Gần 2000 năm sau, dòng họ Phan Huy thiên cư từ Hà Tĩnh ra, với người dẫn đầu là Bình Chương Phan Huy Cẩn, do hấp thu khí thiên của thiên nhiên đất trời và sông núi kỳ diệu, đã trở thành là dòng họ thi thơ nổi tiếng vào hàng bậc nhất của Việt Nam (thế kỷ 18, 19). Và Bình Chương Phan Huy Cẩn trở thành ông tổ phát khoa của dòng họ này, vì sau đó những người trong họ lần lượt kế tiếp nhau đổ Tiến Sỹ cho tới thời nay, trong đó có hai người con của ông Bình Chương, tạo thành “tam phụ tử, huynh đệ đồng triều”.
Phan Huy Ích là danh thần thời Tây Sơn và con là Phan Huy Chú, tác giả công trình nổi tiếng trong văn học lịch sử Lịch triều hiến chương loại chí.
Đi thăm viếng chùa Thầy Hà Nội, khởi đầu hành trình là chặng dốc cheo leo ở lưng núi Sài, tới chùa Cao. Trước chùa có ngôi Tam Bảo và nhà tổ nhỏ. Đối diện chùa là gác chuông cao, rộng 3 gian, thoáng gió muôn phương.
Nơi đây còn lưu giữ những bút tích của các danh nhân nho sỹ như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, chí sỹ Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Trực.
Hang Thánh Hoà phía sau chùa là di tích đặc biệt. Tương truyền là nơi Từ Đạo Hạnh, vị thiền sư mà cũng là Pháp sư nổi tiếng của thời Lý (thế kỷ 11) trước khi thác sinh đã hoá ở đây. Muốn tới hang, người ta phải đi qua một con đường Ngoắt ngoéo, quanh co dẫn dến ngôi chùa nhỏ Đinh Sơn, nơi thờ vọng Từ Đạo Hạnh, rồi tới am Hiền Thuỵ.
Rời hang Thánh Hoá, đứng trên chùa cao hướng về phía làng Thuỵ Khê, khách có thể nhìn thấy chùa Một Mái và hang Bụt Mọc. Gọi là bụt mọc vì trong hang có những hòn đá nhô lên trong giống như những tượng Bụt. Có thể nhận biết ở hiện tượng này tàn dư tục sùng bái giới tự nhiên, tục thờ đá cổ xưa.
Đi thêm một quãng đường nữa, sẽ gặp hai vách núi châu đầu vào nhau, tạo thành một hang trống có hai đầu, gió luôn chuyển lưu bên trong mát rười rượi. Người ta gọi đó là hang gió hay động Gió Lùa.
Người xứ Đoài (Sơn Tây) có câu nhắc một địa danh độc đáo, là hang Cắc Cớ, mà bất cứ mọi du khách nào cũng khó quên.
Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.
Xưa kia, nữ sỹ Hồ Xuân Hương cũng đã từng có bài thơ vịnh về nét đặc thù của hang này.
Gần hang Cắc Cớ là hang Bụt Mọc vừa sâu vừa tối. Cửa hang hẹp, càng đi vào trong càng rộng. Đường đi trơn trợt nên người ta phải dò từng bước thật cẩn thận. Khách lên xuống thường phải bấu víu, vịn vào nhau, không phân biệt nam nữ, già trẻ, thật là vui mà cũng là thật cắc cớ.
Ở đây, người ta nhận thấy có dấu vết của tục chơi núi, luồn hang vào dịp mùa xuân của nhiều tộc người trên thế giới.
Nước ta trước đây tục này thịnh hành ở người Thái Nghệ An, người Mường Hoà Bình.
Trong hang, tại những chỗ lộ thiên, ánh sáng mặt trời xuống rọi vào nhũ đã tạo nên những điểm sáng lung linh, huyền ảo, do đó người đi chơi trong hang gọi là động Thần Quang.
Hang có nhiều ngách, người nào không chú ý rất dễ bị lạc. Ra khỏi hang, từ chùa Cao đi ngược chiều với hang Cắc Cớ, rồi leo lên đỉnh Sài Sơn, khách sẽ đặt chân lên khoảng đất tròn, rộng với nhiều hòn đá lởm chởm.
Đây là chợ Trời, tương truyền xưa vào dịp xuân, trời quang mây tạnh, các tiên từ trên thượng giới xuống chơi cờ, nhắm rượu thưởng xuân.
Từ chợ Trời, đỉnh cao nhất của thắng cảnh, du khách có thể nhìn bao quát bốn phương, tám hướng cảm nhận được sự cao rộng của bầu trời cùng không khí thanh khiết nơi cửa thiền. Từ đây, khách lần bước đi xuống, xuống mãi tới địa điểm trung tâm của lễ hội chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn.