Chùa Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Thánh Mẫu) ở ngay tại thành phố Thủ Dầu Một được các bang hội người Hoa xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20, được trùng tu vào năm 1923.
Theo truyền tích, Bà Thiên Hậu có tên là Lâm My Châu, quê huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, sinh vào đời nhà Tống, Trung Quốc.
Hình ảnh: Chùa Bà Thiên Hậu
Một hôm, khi đang ngồi sau khung cửi dệt vải, Lâm My Châu bỗng dưng dừng tay thoi, rồi nói với mẹ rằng cha va anh của nàng đang gặp nạn ở ngoài biển khơi. Nghe con nói, bà mẹ bàng hoàng nhưng vẫn chưa tin hẳn. Mấy ngày hôm sau, hai người con trai mình trần, tay không, sống sót trở về, còn người cha thì mất tích.
Từ đó, nàng Lâm My Châu dần dần tiên đoán về thời tiết, mưa gió trên biển khơi giúp cho ngư dân thoát được nhiều cơn hiểm nghèo. Vì yểu mạng, nàng chết vào tuổi ngoài 20, sau đó rất hiển linh.
Truyền thuyết dân gian trong giới người Hoa Phúc Kiến kể lại rằng, bà thường khoác bộ y phục màu nâu, bay lượn trên biển để cứu những thuyền tàu trong lúc lâm nạn. Do công đức này, về sau vua Khang Hy đời nhà Thanh phong chức Thiên Hậu Thánh Mẫu và được nhân dân vùng ven biển Phúc Kiến (Trung Quốc) tôn thờ như là bậc hiển thánh.
Những người Hoa thiên cư sang Việt Nam từ các thế kỷ qua đa số điều vượt biển. Trong cuộc hành trình dài ngày tại biển khơi, với thuyền mong manh, họ thường khấn vái Bà Thiên Hậu mong bà phù hộ độ trì cho được “thuận buồn, xuôi gió” và “đi đến nơi, về đến chốn”.
Trong quá trình định cư tại miền Đông Nam Bộ, trên vùng đất mới đang còn khai phá vào khoảng 300 năm trước đây, những người Hoa thuộc các bang hội Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ làm ăn ngày càng phát đạt và ổn định. Tin rằng nhờ công ơn của bà Thiên Hậu Thánh Mẫu phù hộ, họ lập ra một cái chùa để thờ Bà.
Ở đây, thật ra phải nói là một cái đình mới đúng nghĩa không có thờ tượng phật, không có sư sãi, không có tụng kinh,gõ mõ. Trong các ngày lễ, ngày Vía vật cúng đều mặn (thường có nhiều heo quay), nhưng do quen miệng, người Hoa lẫn người Việt đều gọi là chùa.
Đăng bởi: du lịch việt