Người K’hô trên cao nguyên Langbiang ngày nay nổi tiếng với khu du lịch núi Langbiang có nhiều truyện truyền khẩu đặc sắc. Các truyện dân gian này thường liên hệ với nhau, tạo thành một chuỗi văn hoá có mục tiêu giáo dục con người và chống đối một số luật tục khắc khe. Phần khác, các câu chuyện này cũng giải thích vài địa danh do đâu mà có.
Tiêu biểu nhất là truyện tình Lang – Biang như là tình sử thuộc về bộ tộc K’hô đã có quá trình tranh đấu và kết hợp bộ tộc lớn mạnh trên vùng cao nguyên này.
Lang là tên một chàng dũng sỹ có tên đúng là Klang và Biang là tên người con gái ngoan hiền, đẹp thường gọi là Hbiang cả hai thuộc vào hai bộ tộc người thù địch với nhau về đất đai và luật tục.
Klang là người đúng đầu (tù trưởng trẻ) của tộc Lạch, thường cứu giúp người, từng thu phục hai con voi rừng rất hung dữ hay phá làng. Chàng tha mạng cho hai con voi này, khiến chúng cảm động, tôn kính chàng. Về sau, khi nghe tin chàng chết, chúng xúc động ngã quỵ và hoá đá thành núi Voi.
Nang Hbiang kiều diễm là con gái của vị tù trưởng bộ tộc Sré tên là K’Zềnh, được mọi người và kể cả chim thú hiền lành mến thương. Chỉ riêng có hai con rắn hổ tinh là có lòng căm ghét. Một hôm, nhân lúc nàng Hbiang cùng dân làng Sré đi ngang qua thác Datanla, chúng hợp với hai con cáo và bảy con sói tấn công.
May thay cho dân làng Sré, lúc ấy Klang tình cờ đi tới ra tay cứu nguy. Chàng dũng sỹ dùng cung nỏ bắn đám dã thú tới tấp. Ác thú chạy toán loạn, mất hút vào rừng sâu.
Klang và Hbiang yêu nhau từ đó và người con gái Sré quyết “bắt” dũng sỹ tộc Lạch làm chồng.
Nhưng ông K’Zềnh không chấp nhận và cương quyết cản ngăn cuộc hôn nhân của hai người vì lý do tục lệ. Sau nhiều ngày thuyết phục cha không được, Hbiang lên đỉnh núi than thở cùng người yêu dấu. Klang cũng tuyệt vọng. Cả hai cùng đi đến một quyết định: nắm tay nhau đi vào cuộc sống chung miên viễn ở thế giới bên kia.
Hình ảnh: đỉnh núi Langbiang
Trong một đêm mưa gió, cả hai ngồi lì trên đỉnh núi với nhau và hồn lìa khỏi thân xác. Cái chết của đôi trai gái được loan rộng ra xa mau lẹ. Chẳng những mọi người ở các bộ tộc xúc động mãnh liệt, loài voi rừng cũng thảm thương đến gục ngã.
Lão tù trưởng K’Zêng bấy giờ mới thức tỉnh ân hận. Lão liền kêu gọi các bộ tộc Lạch, Chil, Sré hợp thành dân tộc K’hô và xoá bỏ mọi thành kiến khắt khe trước đây, cải thiện luật tục và cho phép trai gái các họ tộc được tự do lấy nhau để phát triển dân số bộ tộc.
Mọi người cùng nhất trí chọn núi cao nhất trong vùng làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn cho đôi trai gái và đặt tên núi này là Langbiang.
Kể từ đó, hàng năm mọi người đều lên núi này để cúng, tưởng niệm và đắp mộ cho đôi bạn cùng yêu cùng chết với nhau. Ngọn núi LangBiang nhờ đó,m mỗi năm như cao hơn và là biểu thượng cho sự thống nhất hoà hợp của các cư dân bộ tộc trên vùng cao nguyên này.
Đăng bởi: du lịch việt