Người dân tộc Ba Na có nét văn hoá khá độc lạ, trang sức của người Ba Na có những nét riêng biệt. Ở cổ đàn bà thường thích quấn những chuỗi cườm nhiều màu hay nhiều vòng bạc rộng. Ngoài ra, họ còn đeo tất cả những gì mà họ thích.
Đeo ở cổ tay là những chiếc vòng đồng. Những vòng này có thể được chạm trổ rất cẩn thận hoặc để nguyên như một sợi đồng, lối đeo vòng thay đổi khác nhau tuỳ từng vùng. Có nơi, họ đeo rất nhiều, từ cườm tay lên đến khuỷu tay toàn là những chiếc vòng đồng sắp theo thứ tự to nhỏ.
Có khi tất cả những vòng đó chỉ gồm một sợi dây đồng cước được quấn quanh cánh tay, lại có khi gồm những chiếc vòng rời nhau. Những chiếc vòng đồng này là tượng trưng cho sự giàu có của họ. Có nơi, họ chỉ đeo một vòng ở cườm tay. Lối đeo vòng của dân tộc ít người ở Tây Nguyên giống như người Uganda ở Trung Phi. Tuy nhiên, người Uganda còn đeo ở cả chân và cánh tay trong, còn người M Nông ở phía Tây Nam Đắk lắk cũng có lối đeo cả ở chân nữa.
Đeo vòng không những để trang sức mà còn là tục lệ của người dân tộc Gia Rai, khi đứa trẻ mới sinh đầy một năm thì cha mẹ làm lễ đeo vòng cho nó. Người thầy cúng dùng dao khắc một vòng nhỏ trên chiếc vòng đeo cho đứa bé. Năm sau, họ lại khắc thêm một vòng nữa, có thể mỗi năm khắc một vòng, cho đến khi người con trai, con gái được 20 tuổi thì họ lại làm một lễ lớn, giàu thì giết trâu, heo, nghèo thì cũng giết gà để cúng thần.
Từ đó, người con trai, con gái không còn là trẻ nhỏ mà đã thành người lớn và cũng từ đó chấm dứt, không khắc dấu lên chiếc vòng đồng nữa.
Người Gia Rai cũng khắc dấu trên vòng đồng mỗi khi đi đâu xa mà bị bệnh bất ngờ. Họ bày lễ vật cúng thần linh rồi cũng khắc một vạch trên vòng đeo tay. Cầu mong thần linh phù hộ cho họ khỏi bệnh.
Người dân tộc K’hô ở Lâm Đồng – Đà lạt trong lễ hỏi nếu cậu con trai ưng thuận, cậu bác bên gái lấy một chiếc vòng đeo vào tay người mẹ cậu rể để làm chứng. Các cậu, bác bên nhà trai lấy một chiếc vòng và một chuỗi cườm đeo vào tay người cậu bên nhà gái để tỏ ý thuận.
Trong lễ rước rể lại có lễ đeo vòng, bên gái đeo ba chiếc vòng cho bên trai là con rể, cậu ruột và anh của chú rể. Tiếp theo đó, người cậu và họ hàng bên trai đeo ba chiếc vòng cho cô cậu, cậu ruột và anh cô dâu và mỗi lần đeo vòng đều có chúc rượu. Lối trang sức và tục lệ này đã dần dần thay đổi.
Đăng bởi: du lịch việt