Dân tộc Gia Rai là cư dân chính yếu từ bao đời ở vùng rừng núi Pleiku, Tây Nguyên. Tại những vùng xa có sự kết hợp với các dân tộc khác, chẳng hạn như ở Nam Kon Tum, họ phối hợp với người Ba Na, ở Cheo Reo, Buôn Ma Thuột với người Ê Đê. Sự phối hợp lâu đời sinh ra nhiều chi phái.
Cũng như người Ê Đê, dân tộc Gia Rai là một dân tộc khá tiến bộ và có năng khiếu về âm nhạc, ca hát. Thanh niên nam nữ Gia Rai hát rất hay và trữ tình. Một loại kèn tre nứa của họ có nhiều ống trục thanh bậc tua tủa rất đặc biệt, âm thanh đa điệu, tuy cổ xưa hiếm hoi, do một người điêu luyện thổi, phát ra một điệu nhạc vừa tình tứ vừa trầm hùng, phảng phất u linh, có thể thay thế nhiều loại nhạc cụ khác, ngay cả việc thay thế một dàn cồng, chiêng hoà tấu.
Nhạc cụ này cũng có thể trình diễn một bản nhạc mới ngày nay mà cồng chiêng không thể nào tiết tấu được. Nhạc cụ đặc biệt này gọi là Cing Goong.
Một số đông người Dân Tộc Gia Rai bây giờ theo phụ hệ, nhưng truyền thống mẫu hệ vẫn còn tồn tại. Các khu nhà mồ luôn đầy ấn tượng. Ở đó có nhiều bức tượng đủ loại tạc, đẻo theo tập quán, biểu hiện nhiều nét đặc thù và giới tính, có cả tượng nam nữ giao hợp với ý nghĩa sinh tồn nòi giống, trong khuôn khổ lễ nghi còn rất hoang sơ mang nhiều nét nguyên thuỷ.
Dân tộc Gia Rai có những họ đông người như họ Nay, họ Siu. Họ đặt trước tên như người Việt không phải sau tên như người Ê Đê.
Thí dụ: Nay Ju, Siu H’Blak. Ju là tên người Nam, H’Blak là tên người nữ, khác hơn người Ê Đê và M’Nông, tên riêng đặt trước: Y Tlup M’Lô Duôn Du, Y Nhô Knul, H’Driah Eban (Y Tlup người Ê Đê, Y Nhô người M’Nông, H’Driah, tên người nữ Ê Đê, trước các họ Knul, M’Lô Duôn Du, E Ban).
Cũng như người Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, M’Nông,… người Gia Rai có chữ viết riêng theo cách ráp nối vần a, b, c. Vì có sự phối ngẫu pha trộn, một số từ tiếng trong ngôn ngữ nên chữ viết của người Gia Rai và Ê Đê, M’Nông gần giống nhau hoặc dùng chung.
Thí dụ: Krông: sông, Chư (cũ), núi Ea (Ia), suối, Đak: nước…
Ngoài âm nhạc và múa hát, cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Gia Rai già trẻ, gái trai, nam nữ đều thích thú uống rượu cần. Đối với đồng bào Tây Nguyên thì ghè, choé rượu cũng là tài sản quan trọng.
Đăng bởi: du lịch việt