Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với hệ thống động thực vật phong phú, tài nguyên du lịch đa dạng, bên cạnh đó là những danh lam thắng cảnh đẹp nức lòng người như Vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, đảo Phú Quốc, vườn quốc gia Cúc Phương, vườn quốc gia Phong Nha – kẻ Bàng,… hàng năm đã thu hút hàng chục triệu du khách đến thăm quan.
Việt Nam có hai vùng đồng bằng lớn: đồng bằng Bắc Bộ ở châu thổ sông Hồng và đồng bằng Nam bộ ở châu thổ sông Cửu Long.
Đồng bằng bắc bộ có diện tích 15.000km2 do nhiều con sông, nhưng chủ yếu là các nhánh của sông Hồng và sông Thái Bình, bồi tụ bằng phù sa. Ở một số tỉnh của miền bắc còn có một số đồng bằng có diện tích nhỏ như Nghĩa Lộ, Than Uyên, Điện Biên,… vốn là những vùng trũng nằm gọn giữa vùng bốn bề là núi đồi và rừng.
Đồng Bằng Nam bộ có diện tích 40.000km2 do các nhánh của sông Cửu Long (Sông Mê Kông) bồi tụ bằng phù sa có địa hình thấp lại bằng phẳng. Cho đến nay vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long vẫn được bồi tụ mạnh về phía Tây Nam (mũi Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau) hàng năm tính ra được khoảng 60 – 80m lấn ra biển. Ở vùng đồng bằng này có địa hình thấp, nước biển có thể xâm nhập khoảng 1/3 diện tích.
Ngoài ra còn một dải đồng bằng hẹp ven biển theo biển Đông từ Bắc đến Nam nối hai vùng đồng bằng nói trên giống hình cái đòn gánh quẩy hai vựa lúa nặng của đất nước. Trên ba hệ thống vùng đồng bằng cùng với những tài nguyên về kinh tế – xã hội vốn có, những tài nguyên của ngành du lịch ở Việt Nam đang thực sự được khai thác có hiệu quả.
Trên những dải đồng bằng rộng ở hai vùng châu thổ lớn của cả nước và những dải đồng bằng hẹp nằm giữa các dãy núi và biển, kể cả những thung lũng có quy mô hạn hẹp được xem là những tiểu đồng bằng như ở các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc,…vv. có những tài nguyên phong phú và đa dạng đối với hoạt động của ngành du lịch.