Administrator

Tin tức - 03/02/2019 - 971 Lượt xem

Dân Tộc Ê Đê Trong Cộng Đồng Việt Nam

Dân Tộc Ê Đê, còn được gọi là người Đê, là dân tộc có mặt từ lâu đời trên mảnh đất miền trung, Tây Nguyên. Dấu vết nguồn gốc hải đảo của dân tộc này đã phản ảnh nhiều trong tác phẩm văn học, sử thi và nhiều công trình kiến trúc độc đáo trong dân gian.

dân tộc ê đê

Hình ảnh: dân tộc Ê Đê

Ngoài người Chăm, phần lớn ở vùng đồng bằng duyên hải Trung bộ, các dân tộc ít người ở miền núi vùng Trường Sơn – Tây Nguyên thường giống nhau trong đời sống. Tuy nhiên, dân tộc Ê Đê là một trong những dân tộc coi là điển hình, tiêu biểu, có nhiều điểm sinh hoạt đáng chú ý.

Dân tộc Ê Đê có khoảng 200.000 người, sống tập trung ở tỉnh Đắk lắk và miền Tây hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên. Một số khác cũng có mặt ở phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng. Nhiều chi phái sống ở các địa phương khác nhau như Đê, Kpă. A Dham, Krung, Ktul, Dlie, Niê, Blô, Mdhur, Bih. Tiếng nói của người Ê Đê theo hệ ngôn ngữ Nam Đảo.

Người Ê Đê chuyên làm rẫy, riêng nhóm Bih biết làm ruộng nước theo lối cổ sơ, dùng trâm dặm đất thay vì cày và cuốc đất. Ngoài canh tác, gieo trồng, người Ê Đê còn chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát và dệt cửi…

Y phục cổ truyền của người Ê Đê thường có màu chàm, điểm những hoa văn sặc sỡ. Đàn bà mặc áo áo vận váy, nhưng thiếu nữ để ngực trần. Đàn ông đóng khố nhưng mặc áo. Dân tộc Ê Đê thích các trang sức bằng bạc, đồng, ngà voi, xương thú, hạt cườm. Xưa kia, tục cà răng quy định mọi người đều cắt ngắn sáu chiếc răng cửa hàm trên, nhưng ngày nay tục này không còn được các thế hệ mới chấp nhận tuân theo.

Dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nhưng cũng có nơi theo chế độ phụ hệ.

Trong gia đình mẫu hệ, phụ nữ là chủ nhà, con cái theo họ mẹ, con trai không được quyền hưởng thừa kế. Đàn ông cư trú ở nhà vợ. Nếu chết, được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ.

Trong gia đình phụ hệ thì ngược lại. Người vợ cho số phận như người chồng ở gia đình mẫu hệ. Tập tục “phải lấy người khác trong họ người phối ngẫu, khi người này qua đời” của người Ê Đê sở dĩ có cũng chỉ vì mục đích giữ gìn của cải, bảo vệ gia sản.

Dân tộc Ê Đê rất tin tưởng ở thần linh, có nhiều điều phải kiêng cữ, cúng bái nhằm mục đích cầu xin mùa màng bội thu, con người khoẻ mạnh, tránh hoả hoạn và rủi ro…

Người Ê Đê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú bao gồm những chuyện tích thần thoại, ca dao, tục ngữ, đặt biệt một trường ca, sử thi gọi là Khan nổi tiếng với Khan Đam San, Khan Đam Ktech Mlan… Ca hát huê tình và tấu nhạc là sở thích hàng đầu cũng như uống rượu cần.

Nhạc cụ có Cing (chiêng), cồng, trống, sáo, khèn, đàn, Đing năm (kèn bầu sáu ống trúc) khá đặc biệt là nòng cốt của nền âm nhạc truyền cảm, thể hiện tâm linh của người Ê Đê khiên thu hút, hấp dẫn cả người miền xuôi và nước ngoài.

Âm nhạc Ê Đê khá trữ tình, đã giúp cho núi rừng thêm sinh động, mô tả được tâm hồn thanh thoát, ý tưởng vời vợi thâm trầm. Tuỳ theo thời tiết và không gian, địa thế, nhạc Ê Đê gợi được những xúc cảm dồi dào, gây được cảm thông sâu xa cho người nghe.

nhà sàn ê đê

Hình ảnh: nhà sàn Ê Đê

Dân tộc Ê Đê ở nhà sàn và nhà dài, thường từ 50 đến 70m, thậm chí hàng trăm mét. Nhà càng được nối dài, càng chứng tỏ gia đình nhà đó sung túc đông người. Cả tộc họ đều ở chung trong một nhà. Nhà có nhiều bếp lửa, cạnh cửa sổ. Đó là chổ riêng biệt dành cho từng gia đình nhỏ của tộc họ. Nhà làm bằng gỗ, tre, lợp mái tranh. Những năm gần đây nhiều nhà dài đã tách hộ và lợp tôn. Nhưng từ khi những lò gạch ngói xuất hiện ở hướng đông Đắk Lắk, cạnh trục lộ đi Ninh Hoà, nhiều buôn đã có nhà lợp ngói đỏ và bỏ kiểu nhà sàn.

Mỗi nhà sàn ở đầu đều có trổ cửa ra vào, trước cửa là cầu thang làm bằng một thân cây đẽo nấc thang gác lên. Cửa chính nhìn về hướng Bắc, nay đã có thông lệ qua ra đường chính.

Trong nhà, thường được chia ra làm hai phần Nửa phần trước gần cửa chính gọi là Gah dùng để đón tiếp khác. Một nửa còn lại gọi là Ôk là những bếp lửa dùng để nấu ăn, vừa để sưởi ấm cho từng gia đình. Vợ chồng, con cái từng gia đình nằm riêng biệt cạnh bếp lửa này.

Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được coi là sân khách. Nhà càng giàu có thì sân càng rộng và khang trang.


Đăng bởi: du lich việt

5/5 - (2 bình chọn)
Thẻ:

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946