Lễ hội đâm trâu là một trong những nét văn hoá đặc sắc của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên để mừng lúa mới, mừng nhà rông,… khi du lịch Tây Nguyên, nhiều du khách bị cuốn hút bởi khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. Nhưng lễ hội đâm trâu của người dân tộc M Nông luôn có sức hấp dẫn nhất với du khách.
Nói một cách chính xác là lễ ăn trâu, nhân dịp cúng thần lúa, mùa màng, cúng thầng G’let, là lễ cầu sức khoẻ và lễ báo gùi lúa… Trong đó, lễ cúng thần kèn thì bao giờ cũng phải tiến hành nghi thức đâm trâu. Nghi thức đâm trâu theo quan niệm của người M Nông là để hiến tế thần linh, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong thần linh ban cho sự ấm no hạnh phúc.
Tục đâm trâu có từ xa xưa. Ngày nay, các chi tộc người dân tộc M Nông như người Nông, người P Rông ở Đắk Nông, người Pleh ở Đắk R’lấp vẫn còn giữ. Khi bông mai vàng trên núi nở rộ thì lễ hội đâm trâu đây đó trong các buôn làng M Nông cũng tưng bừng náo nhiệt.
Lễ hội đâm trâu là lễ hội quy mô, mang tính chất cộng đồng. Để tiến hành lễ hội, người ta phải chuẩn bị trước đó vài ngày. Việc chính phải tập trung là vào rừng tìm cây gai gòn, chặt về để làm cây nêu. Cây nêu là biểu tương chính của ngày hội. Cây nêu cao vút chừng 8 – 9 m, với nhiều nét trang trí hoa văn truyền thống của người M Nông. Cây nêu là một công trình sáng tạo tập thể, biểu hiện nét nghệ thuật tạo hình điêu khắc dân gian của người M Nông.
Ngày thứ nhất dựng cây nêu. Ngày thứ 2, những thanh niên khoẻ mạnh của buôn làng mang những cuộn dây thừng bện bằng vỏ cây rừng, lên nương rẫy tìm bắt trâu. Con trâu dù to lớn, dữ dằn đến đâu thì cuối cùng cũng bị các chàng trai lực lưỡng siết chặt cột vào cột to đã chọn sẵn, ở nơi trung tâm sẽ diễn ra lễ hội. Chủ nhân và một số thành viên quyến thuộc trong y phục cổ truyền tay cầm chuông đi đón khách. Vừa đi họ vừa đánh chuông, âm thanh vang vọng, náo nức cả núi rừng.
Màn đêm buông xuống. Cả làng gồm già trẻ, trai gái kéo nhau đến bên cây nêu để tập trung vui chơi và xem bà chủ nhà làm lễ cúng cột trâu. Khi phần lễ trịnh trọng bắt đầu, tiếng nhạc cồng chiêng nổi lên trầm đục,hoà âm trong tiếng nhạc kèn G’let réo rắt. Trong không khí thiêng liêng huyền bí,bà chủ nhà đứng bên con trâu lẩm rầm khấn và hát bài khóc trâu trong giai điệu thống thiết, an ủi con trâu trước giờ phút hiến sinh. Phần nghi thức xong, dân làng vui nhộn lên ca hát, nhảy múa theo các điệu cổ truyền cùng với tiếng khèn, chiêng cuồng nhiệt và các ché rượu cần được mở ra uống.
Sáng ngày thứ 3, phần nghi thức khác lại tiếp tục. Chủ nhà làm lễ giao trâu cho khách mời đặc biệt, sau đó tiến hành nghi thức đâm trâu. Một người đàn ông thật khoẻ mạnh, cởi trần, mặc khố được trao một chiếc lao, đầu bịt sắt nhọn, sau một vài động tác ma thuật lạ lùng bất thần dồn hết sức mạnh đâm lao vào tim con trâu, tiếp theo anh ta lấy gươm chặt vào hai khuỷu chân con trâu. Con trâu chết, người ta lấy một cái chiêng úp lên đầu con trâu.
Sau đó lấy máu trâu bôi lên cây nêu, cột đâm trâu và kèn G’let. Lễ tiếp theo được cúng trên kho lúa. Người ta lấy sợi chỉ buộc từ kho lúa đến chổ đặt đầu trâu, một biểu tượng cho lối đi của hồn lúa. Người chủ nhà lấy huyết trâu hoà vào trong ché rượu, đổ vào những bầu nước, rồi tưới lên kho lúa để mong tắm mát cho hồn lúa.
Người chủ nhà cũng vừa tưới nước cho mọi người, vừa rửa tay với niềm tin rằng hồn lúa sẽ được mát mẻ, mọi điều xấu cùng tai ương sẽ qua đi. Gia đình ngày thêm ấm no, hạnh phúc.
Xong mọi điều, người chủ nhà mổ trâu và xẻ thịt chia cho các gia đình trong buôn làng, thể hiện sự yêu thương bình đẳng với nhau giữa các thành viên chung sống trong cộng đồng làng buôn.
Đăng bởi: du lịch việt