Chùa Bà Thiên Hậu hay còn có tên “chùa bà Chợ Lớn” được xây dựng theo hình chữ “Quốc” hay còn gọi là hình “cái ấn” một kiểu kiến trúc mang đặc tính Trung Hoa trên một diện tích khá rộng.
Ở tiền điện, bên trong hai cánh cửa có hai bia đá đặt sát tường ghi lại truyền thuyết về Bà bằng chữ Hán và chữ quốc Ngữ, bên phải có bệ thờ tượng Phúc Đức Chánh Thần (tức Ông Bổn), Bên trái thờ Môn Quan Vương Tả (Thần giữ cửa). Trên cửa, một bức tranh cao gần sát nóc miêu tả Bà đang bay lướt trên sóng nước giữ trùng khơi.
hình ảnh: chùa bà Chợ Lớn.
Ở trung điện không trang thờ, chỉ được đặt một bộ lư “phát lan” mang niên hiệu Quang Tự thứ 12 trên một bàn đá. Một bên bộ lư là chiếc kiệu lớn sơn son thiếp vàng và một bên là chiếc thuyền rộng Thuận Phong Thuyền (biểu tượng cho sự may mắn và an lành trên biển) cũng sơn son thiếp Vàng, có chạm hình nhân (xưa kia, kiệu và thuyền được khiêng đi trong đám rước, nay tục này đã bỏ).
Sân Thiên Tĩnh (giếng trời) đã được các nhà kiến trúc tính toán bố trí khá chặt chẽ, hài hoà, vừa có đủ diện tích thoáng, rộng để thông gió, vừa dón nhận được ánh sáng tự nhiên đầy đủ, tạo cho bên trong chính diện một không khí trang nghiêm, u nhã của một kiến trúc tôn giáo.
Tượng Bà Thiên Hậu được đặt ở nơi trang nghiêm nhất chính là chính Điện. Bên trên trang thờ, 3 tượng bà được đặt theo thứ từ từ lớn đến nhỏ thành một hàng thẳng, hai bên có 2 quân hầu. Phía bên trên điện thờ có khắc dòng chữ Hán: Thiên Hậu Cung.
Trước điện là một dãy các bàn đá, nơi để vật cúng. Bên phải chính điện là trang thờ bà Kim Huê. Bà Kim Huê còn gọi là: “Mẹ Sinh”, “Mẹ Đậu”hay kim Hoa Nương Nương, là một nữ thần trong Lục Cung Thánh Mẫu, được phong thần vào thời Khương Tử Nha. Bên trái chính điện thờ bà Long mẫu Nương Nương, bà này theo Thần Tích Trung Hoa là nữ Thần, con vua Thuỷ Tề, chuyên cứu người và tàu thuyền bị đắm trên biển.
Điều đáng lưu ý là trong tủ kính còn lưu giữ một “tướng lệnh” do Aries ký vào năm 1860, chữ viết bị mờ trên giấy ố vàng, cấm binh sỹ pháp và Y pha Nho không được phá phách chùa. Chùa còn thờ một số nhân vật khác như Quang Công, Địa Tạng, Thần Tài ở gian phụ nằm hai bên chính điện.
Ngoài những vật liệu xây dựng mang từ vùng Nam Trung Quốc sang, chùa Bà Thiên Hậu còn có nhiều tượng gốm nung, nghệ thuật thể hiện sắc sảo rút từ những đề tài lịch sử, trong các tiểu thuyết cổ Trung Quốc như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc,..v..v.. các nhóm tượng đất nung này được bố trí một cách hài hoà với các hình tượng thuộc đề tài cổ điển như: “tứ linh” gồm Long, Lân, Quy, Phụng, “lưỡng long tranh châu”, “bái tổ vinh quy”… các mâu vật trang trí bằng gốm màu này được bố trí dọc trên các đường điền mái ngói, trên nóc chùa riêu phong, tạo nên một vẻ đẹp đa dạng pha màu huyền thoại làm tăng thêm chất mỹ thuật cũng như nội dung tín ngưỡng của công trình.
Bên trong chùa Bà Chợ Lớn, một sự phối hợp của nhiều bộ môn điêu khắc, hội hoạ, trang trí khá phong phú mà cũng đa dạng, phục vụ cho mục đích tôn giáo của người Hoa.
Bên cạnh những tượng tròn được tạc bằng những nét tả thực chân phương, các điêu phù điêu chiếm một vị trí quan trọng trong việc trang trí, từ các bao lơn, hoành phi, câu đối cho đến bậu cửa, vòm mái. Những bức chạm lộng và chạm nổi về đề tài chim muôn, hoa trái xen lẫn với những đề tài huyền thoại vừa tạo nên không khí cổ kính trang nghiêm vừa hiện thực, thể hiện hoài bão, ước vọng một cuộc sống thái bình, thịnh vượng nơi mảnh đất mà những người Hoa di cư đã chọn làm quê hương thứ hai của họ.
Đăng bởi: du lịch việt