Chùa Bà Thiên Hậu từ lâu đã khá quen thuộc với người dân miền nam. Không chỉ có tại Bình Dương, Chùa Bà đã được hội người Hoa xây dựng và được thờ cúng như ở một ngôi chùa tại chợ Lớn, Hồ Chí Minh.
Ngôi chùa này có tên Chùa Bà Chợ Lớn hay Chùa Bà Thiên Hậu, toạ lạc tại địa chỉ: số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, tp Hồ Chí Minh. Nhiều người Hoa còn gọi đây là “Phò Miếu”, tên chữ Hán là Thiên Hậu Miếu. Chùa này được xây dựng vào thập niên 60 của thế kỷ thứ 18. Lúc đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Sau nhiều lần trùng tu vào các năm 1800, 1842, 1890 và 1916, chùa mới có được bề thế như hiện nay.
Hình ảnh: Chùa Bà Hồ Chí Minh
Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất của hơn 30 chùa người Hoa tại tp Hồ Chí Minh. Ở đây có tấm bia đá ghi thần tích bà Thiên Hậu Thánh Mẫu rõ hơn.
Bà sinh ra vào đời nhà Tống, Kiến Long nguyên niên (sau năm 960), là con thứ 6 của một gia đình họ Lâm ở huyền Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi mới lọt lòng mẹ, bà đã toả ánh hào quang và hương thơm. Lớn lên, bà thường cưỡi thảm bay lượn trên biển và du ngoạn ở nhiều nơi. Đến đời Tống Ung Hy tứ niên (sau năm 987), bà từ giã cõi trần lúc mới 27 tuổi và trở nên hiển linh. Đời nhà Nguyên, Bà được phong làm Thiên Phi, đời nhà Thanh, vua Khang Hy gia phong làm Thiên Hậu. Danh hiệu này tồn tại mãi đến bây giờ.
Ngày nay, Chùa Bà Thiên Hậu đã trở thành điểm đến tâm linh của người dân Hồ Chí Minh mỗi khi rằm người dân nơi đây thường đến cúng bái. Ngôi chùa toạ lạc tại tp thành phố không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn những vị khách nước ngoài đến khám phá bí ẩn đằng đang giấu đằng sau ngôi chùa.
Hình ảnh: du khách đi hành hương Chùa Bà Thiên Hậu
Nếu bạn muốn tìm kiếm một ngôi chùa mang kiến trúc đặc trưng của người Hoa, sở hữu phong cách á Đông thuần khiết thì khi du lịch Hồ Chí Minh, đến chùa bà Thiên Hậu là lựa chọn đúng. Chùa được xây dựng theo lối tam quan, cách điệu ở phần cửa chính đi vào và có thêm 2 hành lang ở 2 bên hông.
Du khách dễ dàng nhận được dáng vẻ trầm mặc của ngôi chùa khi đặt chân đến cổng. Mọi thứ xung quanh dường như đã được ươm màu làm cho không gian mang phần cổ kính, bước chân du khách qua cánh cổng nhỏ sẽ lạc vào chốn huyền bí vừa thân quen, vừa bí ẩn. Suốt chiều dọc ngôi chùa là phần kiến trúc chính, cũng là nơi hoạt động tín ngưỡng.
Ở giữa ngôi chùa là khoảng trống như giếng trời để thu nhận ánh sáng, khí trời vừa để cho nhang hương có chổ để thông lên, tránh khói mù cho người đi viếng chùa. Hai bên lối đi có hàng phân cách rõ ràng, giúp cho người viếng dễ dàng đi lại, nhất là vào dịp lễ hội hay rằm.
Hình ảnh: chùa Bà Thiên Hậu ngoài cổng.
Trong chính điện, tượng bà Thiên Hậu được đặt ở chính giữa. Ánh sáng đỏ – vàng làm chủ đạo, hòa cùng bức màu đen của gỗ và ánh nến lung linh xung quanh đã làm cho nơi đây huyễn hoặc người nhìn. Dù chỉ đặt chân đến một lần, du khách vẫn sẽ có ấn tượng sâu đậm, rất khó để có thể diễn tả hết bằng lời vẻ u tịch, huyền bí đó.
Phần mái của Chùa Bà Thiên Hậu được trang trí bằng nhiều bức tượng có kích thước lớn, nhỏ và hình thù đặc sắc. Khi bạn nhìn vào sẽ thấy hài hoà, đẹp mắt. Ngắm kỹ từng đường nét, người lữ hành sẽ hiểu được sự tinh tế, kỳ công của người tạo nên nó đã dùng hết tâm huyết của mình thế nào.
Hình ảnh: Chùa Bà Thiên Hậu ngày rằm.
Có người đến cầu duyên, cầu tài, cầu lộc, cũng có người đơn giản là cầu bình an, cho một đời được an nhiên cùng gia đình. Lư hương trong chùa lúc nào cũng đầy khói nhang, nghi ngút. Ấy thế nên những người làm công quả cũng tất bật chẳng kém để lấy bớt phần nhang đã cháy nhiều, chừa chỗ cho người sau đến viếng. Mùi nhang thơm thoảng trong gió, tan vào hư không, mang theo những ước nguyện từ tận đáy lòng, miên man chốn tâm linh, chẳng muốn giã từ.
Thời gian vẫn trôi qua, Chùa Bà Thiên Hậu tại Hồ Chí Minh vẫn mãi là chốn tâm linh, điểm sinh hoạt văn hoá, và là điểm tựa về tinh thần của người Hoa tại Sài Gòn và cả vùng lân cận.
Còn với người hành hương, chùa bà Thiên Hậu chính là địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Hồ Chí Minh của mình. Hãy để lòng được thanh thản và an yên trong không gian trầm tịch, xua đi hết những bộn bề trôi cùng hư không.
Đăng bởi: du lịch việt