Administrator

Tin tức - 07/10/2019 - 368 Lượt xem

Khám Phá Vẻ Đẹp Lễ Hội Chùa Thầy

Là một ngôi chùa cổ kính và bề thế, chùa Thầy được xây dựng vào thế kỷ 12, mang nhiều dấu vết cũ, mới qua trùng tu. Chùa Thầy tiếp đón nhiều du khách thăm quan nhất vào dịp lễ hội chùa Thầy hàng năm vào ngày mùng 5 – mùng 7 tháng 3 âm lịch, với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc.

tượng tại chùa thầy

Nhân vật được thờ bên trong tượng Phật là thiền sư Từ Đạo Hạnh, vốn là nhà phật học, am tường cả đạo giáo khổng giáo, đã từng để lại nhiều thi ca có giá trị về văn học và triết học, đồng thời với hành trạng bí ẩn, kỳ dị mang màu sắc tôn giáo.

Chùa được xây hình chữ “Tam” Hán tự, cấu trúc thành ba lớp: Chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.

Chùa Thượng nằm ở trên cùng, rộng nhưng thấp, như càng tăng vẻ tôn nghiêm chốn Phật đài. Điều đáng lưu ý là trong điện thờ không có tượng phật mà là ba pho tượng của chính thiền sư chuyển tiếp qua ba kiếp: kiếp trước, kiếp sau và chân thân đương thời của Thầy (Từ Đạo Hạnh).

Ở gian giữa, pho tượng kiếp trước của Thầy mang vóc dáng một vị chân tu, đường bệ. Sang gian trái, nơi đặt pho tượng kiếp sau của Thầy mang tướng mạo đế vương và quyền uy, tương truyền đó là biểu tượng của vua Lý Thần Tông (1128 -1138). Bên gian phải là chân thân đương thời của Thầy, tạc bằng gỗ bạch đàn, nhưng cấu tạo độc đáo. Tứ chi và cơ thể của tượng gồm những bộ phận tháo rời ráp lại, nên tượng có thể ngồi, nằm. Tứ chi có thể cử động được.

Đây là kỹ thuật và nghệ thuật làm con rối máy (rối que, rối dây) vốn có lâu đời. Tượng được đặt trong khám lớn, sơn son thiếp vàng lộng lẫy và có màn che kín.

Trừ cụ từ và vị chủ đám có thể vào ra chăm sóc, hay làm nhiệm vụ “tắm tượng” hàng năm trước ngày mở hội, không phải ai cũng được tự do chiêm ngưỡng.

Ở gian giữa có bức hoành phi ghi bốn chữ đại tự “Hương Hải Lưu Phương” (biển hương lưu tiếng tốt).

Hai bên chùa có hai chiếc cầu cong xây theo kiểu cổ, lợp ngói âm dương, mang tên cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Trước chùa là chiếc hồ rộng thả sen mang tên Ao Rồng, giữa hồ là nhà Thuỷ đình hay còn gọi là nhà rối.

Hàng năm hội chùa mở ra trong 3 ngày, vào tiết xuân ấm áp của tháng 3 rất nhộn nhịp. Dân làng Đàoi cùng với hàng ngàn, hạng vạn khách thập phương, trong đó có rất đông người Hà Nội đổ về tham dự, lễ chùa, ngoạn cảnh, thưởng thức những tiết mục nghệ thuật dân gian truyền thống múa rối nước đã có từ thời nhà Lý.

Rối nước là loại hình nghệ thuật, múa rối Việt Nam đặc sắc, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Hồng cho tới Nghệ An còn lưu giữ  được. Nghệ thuật múa rối nước, nghệ thuật múa rối cổ truyền đã góp phần làm cho những ngày lễ hội chùa Thầy thêm sinh động, vui nhộn và hấp dẫn.

Đây là loại rối que, các con rối làm bằng gỗ sơn phết đẹp, được điều khiển bằng một hệ thống sào, cọc và dây, ẩn chìm trong nước. Sân khấu rối là một khoảng mặt nước ở phía trước nhà Thuỷ đình, còn nhà rối là hậu trường để các con rối và đạo cụ. Nghệ nhân biểu diễn múa rối phải ngâm mình trong nước để được che khuất bằng một tấm mành.

Các tích trò được xây dựng trên cơ sở những truyện dân gian như Thạch Sanh, Tấm Cám, hoặc là miêu tả những sinh hoạt dân dã như đi cày, chăn vịt, trẻ mục đồng, đấu vật.

lễ hội chùa thầy

Theo lệ hằng năm, bốn phường rối thuộc các xã quanh vùng thay phiên nhau tới phục vụ hội gồm có các phường Thạch Xá, Yên Thôn, Phú Đa (huyện Thạch Thất), phường Đông Bình (huyện chương Mỹ) đều thuộc ngoại thành tp Hà Nội.

Lễ hội chùa Thầy cũng giống như hội chùa Hương, ngoài các phật tử còn có đông đảo du khách đi trẩy hội, ngoài hành hương còn thoả mãn thú vui leo núi, thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên.

Về dự hội chùa Thầy, khách còn có dịp đi thăm một vùng quê nổi tiếng là văn hiến và trữ tình, đã từng gắn liền tên tuổi nhiều nhân vật lịch sử tài danh như Thiền Sư Từ Đạo Hạnh (thế kỷ 12), trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (thế kỷ 16), những bài thơ, nhà văn của các thế kỷ tiếp theo như Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Phan Huy Chú, Nguyễn Thượng Hiền…

 

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946