Administrator

Tin tức - 23/12/2018 - 741 Lượt xem

Cửa Sông Ông Đốc Trong Tim Mọi Người

Sông Ông Đốc hay còn có tên sông Đốc là con sông tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Sông có chiều dài 58km, đổ ra vịnh Thái Lan. Hai bên sông bao gồm nhiều rạch: rạch Cái Tàu, rạch Giếng, rạch Cui….. Với một số người, cửa sông Ông Đốc ở Cà Mau thật xa vời, nhưng với nhiều người cửa sông Ông Đốc lại có biết biết bao kỷ niệm thân thương và ngày nay là nơi bừng lên sức sống mãnh liệt làm kinh ngạc những người từ xa đến du lịch.

sông ông đốc

Trên trang “sáng tác” của một tờ báo Sài Gòn Giải phóng có bày ký “cửa sông Ông Đốc, 50 năm ấy bây giờ”, tác giả Lê Phú Khải đã ghi lại những hình ảnh sống thực, những ý nghĩ chân thành với nhiều sự kiện làm rung động lòng người gây sự chú ý thích thú cho người đọc. Xin được trích đoạn cần biết cho mọi người:

“từ tầm cao này, toàn cảnh cửa sông Ông Đốc hiện ra trước mắt tôi mới tráng lệ làm sao. Cái tráng lệ của thiên nhiên khoáng đạt hoà quyện với cần lao sông ở Đất Mũi Cà Mau không có nguồn. Không bắt nguồn từ những dòng suối nhỏ, mà nguồn của nó là biển cả, vì thế mà sông lúc nào cũng đầy ắp, mênh mông… Sông như muốn chảy… lê trời, chứ không muốn ra biển nữa. Vì nó đã ra biển từ biển, mà đúng như thế thật. Cứ nhìn lên bản đồ sẽ thấy, sông Gành Hào “bắt nguồn” từ biển Đông, chảy vô Cà Mau thì nó hội tụ với nhiều dòng, rồi sông Ông Đốc lại bắt đầu từ đó mà chảy ra biển Tây… Từ Càm Ông Đốc, nhìn xuôi xuống là mũi Cà Mau… Đó là nơi duy nhất ở nước ta, du khách có thể nhìn thấy được mặt trời lên từ biển đông và lặn ở biển Tây.

Lúc từ thành phố Cà Mau ra bến tàu cao tốc để đi vàm Ông Đốc, một đồng nghiệp bảo tôi: Vàm Ông Đốc là cửa sông có nghề cá sầm uất nhất ở nước ta đấy! Bây giờ thì tôi chịu anh ban đồng nghiệp nói đúng. Hơn hẳn Vàm Láng ở Gò Công, cửa Đại ở Bến Tre, cửa Gành Hào ở phía Đông… Vàm Ông Đốc hình thành cả một thị trấn sầm uất ở bờ bắc sông Ông Đốc, có mặt phố chạy dài hàng cây số ra tới cửa sông, tàu thuyền ríu rít, lúc nào mặt sông cũng nhộn nhịp…

Lịch Sử Sông Ông Đốc.

Cũng tại Vàn sông này, đúng 50 năm về trước, nơi đây được chọn là một trong những nơi chuyển quân quan trọng ra Bắc. Con tàu Ba Lan mang tên Kilinxki đã ra vào nhiều lần cửa Ông Đốc chở cán bộ chiến sỹ phân liên khu miền Tây Nam bộ rời quê hương ra bắc tập kết theo hiệp định Geneve. Chú Hai Văn Càng Cua nhớ lại: “Hồi đó tôi vừa đúng 6 tuổi. Tôi không bao giờ quên cảnh bọn trẻ con chúng tôi ở vàm sông này chạy lẵng nhẵng theo các bà đầm Liên Xô to lớn để được các bã cho kẹo! 50 năm rồi tôi vẫn nhớ, kẹo liên xô ngon lắm!” Tôi hỏi ông Hai Văn: “Tàu đỗ chổ nào?” “Đỗ xa lắm, tàu to đùng mà! Đỗ tít ngoài khơi hàng cây số kia! Có tàu con rước người ra làm tàu lớn!”

Vậy là từ vàm Ông Đốc, tàu Ba Lan Kilinxki chạy vòng xuống mũi Cà Mau để rồi ngược theo đường biển Đông đưa các anh ra Vũng Tàu để đi tiếp ra Bắc! Tôi bồi hồi lặng ngắm Vàm Ông Đốc đang chiều xuống. Nước và trời đang gần nhau lắm.. Mỗi lần về đất Mũi, tôi có cảm nhận như thế. Nhưng ở cửa sông Ông Đốc chiều nay, điều đó không còn là cảm nhận… mà như thực rất thực… Ngày 26 tháng 11 năm 2004, chính tại đây đã diễn ra trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm ngày chuyển quân đi tập kết. 50 năm, thời gian ấy là ngắn với lịch sử, nhưng là dài, rất dài với một đời người. Còn bao nhiêu người mẹ, người chị, người con nào đã đi tiễn con, tiền chồng, tiễn cha… tại Vàm sông này 50 năm về trước còn, mất đến hôm nay. Bao nhiêu các cụ, các bác, các anh từ bến sông này ra đi ngày ấy còn có dịp tìm về bến sông này để nhớ lại… Nhưng người ở lại, lại càng ít hơn.

Đồng chí Tư Chung, phó Bí thư thị trấn Ông Đốc, cho hay, có những xã như Khánh An ở U Minh Hạ, lúc ở lại những 144 đảng viên, sau đồng khởi còn 44! Như chợt nhớ ra, vị phó bí thư ngoài 44 tuỏi này, tức ngày ấy chưa có mặt trên thế gian, mừng rỡ kể: “Mấy hôm trước có chú Trần Tấn Đức ra uỷ ban nhân dân thị trấn xin giấy… có khoe còn giữ được bức ảnh hai cha con, lúc đó chú mới 10 tuổi, theo cha lên tàu đi tập kết… Chúng tôi đã xin địa chỉ của chú Đức…”. Có thể nói, dịp kỷ niệm này, cả thị trấn Ông Đốc sống trong hồi tưởng. Những người lớn tuổi thì cố nhớ lại kỷ niệm… Còn người trẻ thì chẳng mấy khi được dịp nghe cổ tích ở cái thời làm ăn bận rộn kinh tế thị trường này.

cửa sông ông đốc

Hàng ngàn du khách từ các nơi đổ về trẩy hội ở cái thị trấn cuối trời có chưa đến 30 ngàn dân này… Trong mấy ngày 24, 25, 26 – 11. Chính cái khách sạn 4 tầng mới xây của ông Hai Văn, vừa mới khai trương là để đón khách dịp 26 – 11. hai Văn rất vui, cũng như mọi người, ông hãnh diện về quê hương mình với khách bốn phương tới Ông Đốc. Thị trấn Ông Đốc những ngày tháng 11 năm nay thật bận rộn, thật vui…

Thị trấn Ông Đốc hiện có 646 tàu thuyền đánh bắt hải sản, 70% có công suất từ 90CV trở lên, với một lực lượng thuyền trưởng, máy trưởng đã được đào tạo cơ bản, cùng với một đội ngũ thuỷ thủ có tay nghề thành thạo. Các thuyền trưởng đều biết sử dụng các loại máy xác định toạ độ chính xác, có trong tay phương tiện thông tin liên lạc hiện đại và tinh thần hỗ tợ nhau rất cao. Sáu tháng đầu năm nay, Ông Đốc đánh bắt được trên 30.000 tấn hải sản, trong đó có 853 tấn tôm, 26.145 tấn cá các loại… Đó là con số không nhỏ. Ở đây xin mở ngoặc nói thêm, tỉnh Kiên Giang có kỷ lục đánh bắt hải sản đứng đầu cả nước, một năm cũng chỉ có sản lượng trên 200.000 tấn mà thôi. Vì vậy mong mỏi của ngư dân Ông Đốc là được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng như cảng cá, cơ sở chế biến, giao thông đường bộ về thành phố Cà Mau là rất chính đáng, rất bức thiết, là “là những việc cần làm ngay” những ngày tới, năm tới…


Đăng bởi: du lịch việt

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946