Administrator

Tin tức - 08/02/2019 - 537 Lượt xem

Văn Hoá Lễ Bỏ Mả Của Người Tây Nguyên

Ở Tây Nguyên có nhiều lễ hội khác nhau, nhưng lớn hơn cả là lễ bỏ mả, lễ cắt đứt quan hệ hoàn toàn giữa người sống với người chết sau một thời gian dài “giữ mã” tức là chăm sóc phần mộ.

Với quan niệm con người sau khi chết, hồn sẽ đi về làng ma, trải qua một vài kiếp sống khác, hồn ma sẽ được trở lại làm người.

lễ bỏ mả

Hình ảnh: Lễ Bỏ Mả người Tây Nguyên.

Để hồn ma trở về làng ma, người sống phải làm một cái lễ chia tay lần cuối, nhằm thông báo cho hồn ma biết rằng, mọi sự vướn mắc nợ nần, phân chia tài sản đã xong, người sống đã hoàn thành phận sự của mình.

Đấy là cuộc lễ cuối cùng sau khi đã tổ chức hàng loạt các lễ nghi khác. Do vậy, lễ bỏ mả thường có quy mô lớn. Nó huy động một khối lượng nhân lực, vật lực cùng tham gia.

Do tính chất của buổi lễ quan trọng như vậy nên hầu như trong lễ hội này, đồng bào đem tất cả những sản phẩm văn hoá nghệ thuật đặc sắc nhất, cao giá nhất để phô diễn. Đặc biệt, một vài cấm kỵ trong nghệ thuật cũng vẫn được đem ra trình diễn.

Tại nhà mồ, gia chủ quét dọn sạch sẽ, sửa sang lại nhà mồ, người ta dựng các cây cột thờ (kut Klao), cột tượng (T’me H’đăng), vẽ lên đấy những hoa văn truyền thống với đủ các màu sắc có sẵn của rừng Tây Nguyên. Nghệ thuật điêu khắc được tận dụng trong lễ hội này. Bằng những dụng cụ sinh hoạt hằng ngày như dao, rìu,…

Các nghệ nhân đã tạt lên đầu mỗi cột gỗ có đường kính 20 đến 30 cm những tượng người đững ngồi giã gạo, cõng con, những anh lính qua các thời kỳ lịch sử, những xe tăng, máy bay và cầm thú,… Loại hình nghệ thuật này chỉ thấy xuất hiện trong lễ hội nhà mồ mà không thấy bất kỳ ở đâu khác.

Nói đến ngày lễ bỏ mả là phải nói đến dân vũ vì đây là hình thức nghệ thuật được nhiều người tham gia nhất, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, quen, lạ, tất cả đều có thể nhảy múa chung vui. Người dân tộc gọi nhảy múa ở nhà mồ là “xoang”, múa xoang phải có đông người cùng tham gia, tay nắm tay, tạo thành một vòng tròn bao xung quanh ngôi mộ, bước nhịp nhàng theo tiếng chiêng.

Múa xoang còn là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu, yêu đương. Do vậy trong những dịp lễ hội, thanh niên thường chọn những bộ váy áo đẹp nhất, rực rỡ nhất để trình diễn, các cụ già có dịp để tỉ tê tâm sự với nhau và với hồn người chết thông qua một hình thức khóc được gọi là Chok.

“Chok” là cách thức khóc, kể lể nhớ thương, tâm sự cùng người chết, khác với khóc bình thường khi bị đánh đau, khi tức giận, tủi thân mà khóc, người ta gọi là Hea. Chok là cách thức vừa khó vừa nói, nhưng có vần có điệu, có lên bổng xuống trầm, người khó nhớ đến đâu nói đến đấy. Cái khó của Chok là làm sao khóc có vần giọng lúc cao lúc thấp, người khó có thể khóc cả ngày.

Một loại hình không thể thiếu trong lễ bỏ mả là kể Khan. Khi đêm đã về khuya, người múa đã mỏi, nhạc chiêng đã ngừng, người ta kiếm một khoảng đất ngủ bên mộ, cũng là lúc những người già cất cao giọng ngân nga về một câu chuyện sử thi, anh hùng ca, lời kể khi hoá thân vào từng nhân vật, câu chuyện như ru con người về lại một thời xa xăm…

Kể khan cũng gần giống như khóc Chok, người kể có lúc ngân nga như hát nhưng ở Chok là sự tỉ tê tâm sự, còn ở Khan người người kể lại phải lên giọng theo từng nhân vật ở mỗi đoạn đối thoại và ngân nga ở những đoạn mô tả… Cứ thế câu chuyện có thể kéo dài đến suốt đêm. Với những câu chuyện dài người ta có thể kể hằng đêm mới hết.

Suốt trong mấy ngày, người ta múa quanh nhà mồ, quanh những choé rượu và những chảo thức ăn to. Họ vừa vui chơi, vừa ăn, vừa uống rượu. Họ thay nhau nhảy múa. Hội không chỉ thu hút tất cả già trẻ, trai gái trong buôn làng mà còn thu hút thêm những buôn làng chung quanh.

Cả một vùng vang lên tiếng cồng, chiêng trầm bổng, tiếng hò reo, tràn đầy sức sống, tràn đầy tình cảm yêu thương.


Đăng bởi: du lịch việt

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946