Administrator

Tin tức - 17/02/2019 - 403 Lượt xem

Văn Hoá Dân Gian Miền Biển Trung Bộ

Văn hoá dân gian miền biển được hiểu là những giá trị vật chất, tinh thần do người dân sáng tạo ra và tiếp tục lưu truyền qua các đời. Từ khá xa xưa, ngư dân là những người khám phá các vùng đất mới ven biển hay các đảo xa. Lúc đầu, những người tới trước không rõ tên. Họ nhận thấy hình dáng nơi đến giống vật hay thú nào thì đặt tên chỗ đó theo vật, thú. Cũng có thể họ đặt theo dấu hiệu đặc biệt ở ngay tại chổ “thấy mặt đặt tên” là phương pháp khá thông dụng.

văn hoá dân gian

Hình ảnh: văn hoá dân gian miền biển trung bộ.

Những người đi dọc theo bờ biển bằng ghe thuyền quan sát những núi, mỏm, vịnh, vũng… tìm cách đặt tên, dặn dò những người đi sau lưu ý những dấu hiệu đặc biệt và cẩn thận với những hiểm nguy trên tuyến di chuyển. Có khi vì quan sát chổ này giống chổ kia mà người ta đặt trùng tên. Thí dụ: hòn vọng Phu có ở hai nơi: Thanh Hoá và Phú Yên (cạnh đèo cả), hòn rơm cũng có 2 nơi: một ở mũi né, một ở vịnh Nha Trang.

Để cho dễ nhớ, người ta kể lại bằng những câu nói vần, thể lục bát, dặn dò nhau từ chổ này đến chổ kia là đâu, có đặc điểm nào. Dần dần hình thành, có lẽ từ thế kỷ 16 – 17, hai bài vè có hệ thống liên tục, bài thứ 2 ngược bài thứ nhất, mỗi bài có 180 câu dùng để các bạn lái ghe bầu học thuộc lòng, có thể nghêu ngao hát trong lúc buồn một mình giữa trời nước mênh mông khi lái ghe buồm di chuyển xuôi ngược.

Hai bài vè này gọi là về thuỷ trình hay vè các lái. Có lẽ do những người đi biển ở Quảng Nam kế tiếp nhau hoàn chỉnh qua suốt một thời gian dài dùng để sử dụng vào nam, khởi đầu từ vùng Thừa Thiên – Huế vào đến Gia Định – Đồng Nai.

Vào thời chưa có hải đồ và hải bàn dành riêng cho người đi biển, 2 bài vè này được coi là bản đồ miệng rất thực dụng. Câu hát quen thuộc: “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng nai thì về” là hai câu cuối cùng của bài đầu “Hát Vô”.

Người sống với biển luôn gặp nguy hiểm, đương đầu với sóng gió bão tố giữa trời nước, xưa nay và bao giờ cũng mong được sự phù hộ của thần linh. Cùng hoà hợp với tín ngưỡng Chămpa, người Việt tôn sùng cá voi là loài cá lớn, thường xuất hiện giữa cơn bão táp, tựa thân mình vào mạn thuyền, giúp thuyền khỏi lật chìm, đưa vào bờ.

Ngư phủ đã coi như là thần linh (hay nghĩ rằng thần linh hiện thân dưới lớp cá biển) nên tôn là Nam Hải Cự Tộc Tôn Thần, được thờ trong đình cất ở làng ngư nghiệp, sát cạnh bờ biển. Vì thế, ngư phủ Trung bộ gọi cá voi là “Ông”.

Cá voi chết ngoài biển, xác tấp vào bờ gọi là Ông luỵ, người thấy trước sẽ lập tức báo tim về làng để mọi người cùng nhau vớt “Ông”, đem vào đất liền để tang đủ ba năm như người con trưởng để đại tang cho cha mẹ.

lễ hội nghinh ông

Hình ảnh: văn hoá dân gian miền biển, lễ hội Nghinh Ông.

Đình làng ngư nghiệp thờ cá ông, gọi là vạn, như các đình làng nông nghiệp thờ Thành Hoàng bản thổ. làng đánh cá gọi là vạn chài. Trong tang lễ cá voi, hoặc trong các lễ hội nghinh Ông (rước cá voi) ở Trung bộ và Nam bộ hàng năm tại các vùng ven biển hay trên đảo Cù Lao Chàm, cù lao Câu, đảo Phú Quý, ngư dân thường có nghi thức hát bã trạo, là loại hát tuồng dân gian vừa theo lối hát bộ, vừa biểu diễn chèo cạn. Những người tham gia hát bã trạo mặc đồng phục ngư phủ nghiêm chỉnh, vừa hát vừa biểu diễn những động tác chèo ghe nhịp nhàng theo lệnh truyền.

Trong văn hoá dân gian miền biển miền Trung, câu hát bã trạo đối đáp phần lớn bằng Hán văn pha trộn với tiếng Nôm dân dã, vì bài hát tuồng này đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, vào thời kỳ văn hoá Hán Ngữ còn thịnh ở nước ta.

Qua một thời gian dài, hát bả trạo xuôi về phương Nam, biến thể ít nhiều và ảnh hưởng trong tang lễ, quần chúng biến sinh ra nghi thức hò tang lễ, cũng có nơi gọi là hò đưa linh (thực hiện vào lúc khiêng linh cữu ra huyệt mộ), ở nhiều vùng miền biển Nam Trung bộ đến Nam bộ.

Ngư dân Trung bộ cũng có nhiều giai thoại văn hoá dân gian miền biển, truyền tích kỳ thú. Đời sống trên biển cả từ ngày này qua ngày khác xem ra khá buồn tẻ. Cuộc sống thầm lặng đôi khi cũng phát sinh những câu hò, tiếng hát trêu chọc nhau cho vui.

Chẳng hạn như đôi bạn trai cùng lứa đã hát trêu đùa nhau:

Mẻ lưới to bắt được nhiều con cá đối,

Về nhắn với chị Hai mày đến tối tao mò lên.

Câu hát dân dã mà nhiều ý tưởng táo bạo đến mức nực cười. Câu này cũng có lúc được sửa lại, khi người chủ nói với người ban chài đang nôn nóng trên đường đưa ghe vè bến đầy ắp cá, mong được gặp vợ mau sớm:

Cá đối ngon dầm tô mắm nhỉ,

Tối nay về… thủ thỉ ít thôi.

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946