Administrator

Tin tức - 28/02/2019 - 449 Lượt xem

Thông Tin Về Ca Huế Trên Sông Hương

Ca Huế có từ rất lâu đời, chưa nghe ca Huế Trên Sông Hương thì xem như chuyến du lịch Huế sẽ không còn ý nghĩa. Còn gì hấp dẫn bằng trôi thuyền trên sông Hương thơ mộng và thả hồn vào những điệu hò mênh mang, những câu hát khúc ca ai, nam bình, hò huế trầm bổng sâu lắng.

Ca Huế trên sông Hương là nét phong tục đặc trưng của đất kinh kỳ. Lối ca đặc biệt tiềm tàng ý nghĩa sâu lắng, phản ảnh tiếng lòng của người dân có nhiều hoài niệm, cảm thông với những diễn biến của tự nhiên và có sức sống mãnh liệt.

Ca Huế trên sông Hương cũng là lối ca mở đường cách tân cho lối ca ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Vì thế, ca Huế không những được người dân xứ Thừa Thiên – Huế, nhất là các cô lái đò trên sông Hương thường cất tiếng hát trên dòng nước lặng lờ, thích chuộng mà còn được ca hát ở khắp miền Trung, thậm chí tới cuối đường đất nước ở Nam bộ.

ca huế trên sông hương

Ca huế Trên sông Hương ẩn chứa nhiều nghĩa tình và âm hưởng phong phú. Một số ca khúc có ảnh hưởng của nhạc điệu Chiêm Thành xưa.

Những làn điệu trong ca Huế thanh thoát, uyển chuyển, trầm bổng tuyệt diệu. Có khi rộn ràng, mạnh mẽ, phấn chấn nhưng cũng dìu dạt, bi ai, hoặc man mác. Những làn điệu ca Huế trên sông Hương phổ biến thích chuộng là:

1. Phú Lục: Nguyên là một bản đàn cổ được phổ lời ca. Phú lục thường có 4 vần, 4 khổ.

2. Cổ bản: Cũng vốn là bản nhạc cổ được phổ thành nhiều bản ca có ý và lời khác nhau. Cổ bản còn được gọi là ca Bắc hoặc ca Lý. Vốn cổ bản có rất nhiều xoan điệu, nghe êm tai nhưng nội dung nhạc điệu không hiểu là gì. Xuất sứ chưa rõ, nhưng trong ca huế trên sông Hương các nghệ sỹ dân gian thường hay ca cùng các làn điệu khác. Bài ca có 6 vần làm 6 khổ.

3. Kim tiền: Bản nhạc được gọi theo tính chất nhạc cụ. Kim tiền tức là sinh tiền dùng để đập nhị, nghe âm điệu, người ta cảm thấy hăng hái, phấn chấn, mạnh mẽ, say mê. rất phổ biến. Nhịp điệu mạnh và nhanh, chỉ có 2 vần, 2 khổ.

4. Lưu thuỷ: cũng là nhạc cổ mà ra. Lưu thuỷ là tiếng nước chảy, gây cảm giác êm ái. Điệu nhạc trầm lắng nhưng nhanh nhanh lại buồn buồn. Mỗi bài ca có 4 vần, 4 khổ.

5. Hành vân: Có nghĩa là mây bay. Nghe nhạc điệu, người ta hình dung được đám mây trôi xa xa giữa nền trời xanh ngát, âm điệu nhè nhẹ, êm êm, thanh thản.

6. Từ đại cảnh: Là cảnh quan bốn mùa xuân – Hạ – Thu – Đông trong một năm được diễn tả qua dòng nhạc, tuyệt diệu. Bản nhạc này được xếp vào những bản nhạc cung bắc, nhưng nhiều người cho rằng tác giả là vua Tự Đức, vì căn cứ vào 2 sự kiện: thứ nhất, được phổ biến nhiều ở ca Huế; thứ 2, vua Tự Đức vốn là một nhạc sỹ có tài lại có tâm hồn nghệ sỹ, đàn giỏi, thơ hay.

7. Bình Bán: đây là bản dung hợp hai tính chất khác biệt nhau: chậm rãi của bản Lưu thuỷ và dồn dập của bản Kim tiền, để tạo thành âm điệu vừa mau, vừa chậm, vừa trầm vừa hùng. Đoạn đầu là ảnh hưởng bản lưu thuỷ, đoạn cuối là ảnh hưởng bản Kim tiền.

8. Tẩu mã: diễn tả nhịp ngựa phi, có âm thanh dồn dập, vừa nhanh, vừa mạnh tạo sự túc giục, mạnh mẽ, phấn khởi, hăng hái. Nguyên là điệu nhạc của Tàu cho nên cũng gọi là ca khác và bản nhạc gọi là nhạc khác.

Ngoài những bản có tính mạnh mẽ, rộn ràng, ảnh hưởng nhạc cổ và ca Bắc kể trên, sau đây là một số babr có tứ nhạc buồn oán, bi sầu, nhưng rất thu hút, hấp dẫn. Những bản nhạc êm dịu, nhẹ nhàng này chịu ảnh hưởng âm điệu nhạc Chiêm Thành xưa và được hình thành tư thời các chúa Nguyễn, ở phương Nam. Vì thế tên bản nhạc có chữ Nam đứng đầu để chỉ rõ tâm tình của người phương Nam.

1. Nam ai: có nghĩa là thương Nam, xót Nam. Đây là bản nhạc buồn nhất, ai oán nhất, trong số các bản nhạc miền nam. Nhiều nhạc sỹ, thi sỹ đặt lời ca rất ai oán, não nùng. Bản ca Nam ai thường ca 3 khổ. Âm điệu chầm chậm để diễn ra nỗi buồn thảm xa xăm.

2. Nam thương: có nghĩa là buồn Nam, mến thương Nam, âm điệu buồn nhưng không bằng Nam Ai. Vốn là một bản nhạc cổ, nhưng cũng chịu ảnh hưởng của nhạc Chiêm Thành như Nam Ai. Âm điệu chậm, một vài chỗ có âm thanh réo rắt, ẩn ý thương tiếc nhớ nhugn buồn khổ vời vợi.

3. Nam xuân: Bản nhạc này ít buồn, đượm vài nét vui, tuy nhiên vẫn tiếp theo là nỗi buồn sâu lắng, rất ảnh hưởng trong nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Âm điệu tuy buồn lại duyên dáng, thướt tha như cô gái Chămpa lả lướt dưới gió chiều nắng tắt.

4. Nam bình: Nhạc khúc này không buồn mà cũng không vui, âm thanh đều đều. Đây là nhạc điệu hoà hợp do ba bản Nam ai, Nam thương và Nam xuân vừa kể, vì vậy nội dung ẩn chứa nỗi buồn lẫn lộn, nhưng buồn nhiều hơn.


Đăng bởi: du lịch việt

5/5 - (1 bình chọn)
Thẻ:,

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946