Administrator

Tin tức - 22/01/2019 - 492 Lượt xem

Thác Gougah – Thắng Cảnh Tại Đà Lạt

Thác Gougah còn được gọi là thác “ổ Gà” do biến âm và cũng do hình thể các đá trứng nằm dưới đáy theo dòng nước chảy. Thác này nằm cách Đà Lạt 38km, cách quốc lộ 20 chừng 300m, từ Đà Lạt xuống, qua khỏi thị trấn Liên Nghĩa 8km, tới một ngã ba du khách rẽ trái.

Tên thác Gougah của người dân bản thổ, còn “ổ Gà” là tên nói trại của người Việt, nhưng cũng có nghĩa là ở dưới đáy thác trông giống như ổ gà. Vào mùa khô, nước ít, dưới chân thác có khá nhiều đá tròn lẳng nổi lên nằm rải rác trong khu vực sâu như những quả trứng gà. Thác cao 17m, nước từ trên cao đổ xuống phân làm đôi theo chiều dọc có đặc tính khác nhau: phần nước bên phải chảy lặng lờ, còn phần bên trái lại ồ ạc bắn tung bọt trắng xoá.

thác gougah

Hình ảnh: Thác Gougah

Theo các truyện cổ ở vùng Nam Tây Nguyên thì xưa kia thác Gougah là một vực sâu có chôn kho báu của hoàng hậu  Naf Biut, vợ của vua Chiêm Thành. Naf Buit là người Việt, được nhà vua sủng ái. Để chữa bệnh cho hoàng hậu, quần thần triều đình nước Chiêm tâu phải xây một cung điện ngoài vương quốc nước Chiêm cho hoàng hậu nghỉ dưỡng, nhà vua chấp thuận.

Về sau, khi hoàng hậu mất, nhà vua cho chôn cất ở một nơi hoang dã này và cho chôn theo một kho vàng, cùng châu báu để hoàng hậu sử dụng. Theo một truyện dã sử khác của người Chăm thì hoàng hậu Naf Biut chính là công chúa Huyền Trân.

Các truyện này hoàn toàn trái ngược với dã sử Việt Nam.

1/ Huyền Trân công chúa về với vua Chế Mân chỉ hơn 1 năm thì Chế Mân chết, theo tục lệ hoàng triều của tiểu quốc Chăm ngày xưa, khi vua chết thì vợ vua bị chôn sống theo. Huyền Trân công chúa không bị chôn sống hay hoả thiêu, nhờ người tình là thượng tướng Trần Khắc Chung cứu thoát, đưa về kinh đô Thăng Long và sau đó, công chúa đi tu. Vua Chế Mân có hai hoàng hậu, một là công chúa ở vương quốc Java (Indonexia) và người thứ 2 là Huyền Trân công chúa nhà Trần. Hoàng Hậu Naf Biut có thể là công chúa Java chăng?

2. Truyện dã sử người Chăm chỉ truyền miệng, có thể lầm lẫn sai lạc, vì người Chặm xưa kia không có văn tự sách vở để viết lại. Nếu hoàng hậu Naf Biut đích thực là công chúa người Việt, thì vua Chăm không phải là Chế Mân và hoàng hậu cũng không phải là Huyền Trân công chúa.

Tại một số đền thờ vua Chăm ở Bình Thuận, như đền thờ vua Pô Klông Mơh Nai ở Lương Sơn, huyện Bắc Bình và đền thờ vua Pô Nit ở làng Thanh Hiếu, xã Phan Hiệp, cũng thuộc huyện Bắc Bình, người ta nhận thấy người Chăm có thờ hoàng hậu người Việt cua những vị vua Chăm này. Các bà hoàng hậu người Việt được thờ vốn là công chúa trong các thời chúa Nguyễn, nhưng không thấy đề rõ tên. có thể hoàng hậu Naf Biut là một trong những bà công chúa này chăng? (Phần nghi vấn trên đây được ghi lại nhằm mục đích gợi ý cho các hướng dẫn viên, sinh viên ngành du lịch trong thực tập hay hẫn tour du lịch, cần thận khi thuyết trình với du khách).


Đăng bởi: du lịch việt

5/5 - (1 bình chọn)
Thẻ:

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946