Cụm di tích Tân Trào là khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam trong thời kỳ cách mạng tháng 8. Nằm tại thung lũng nhỏ huyện Sơn Dương, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 41km, về phía tây bắc, giữa vùng núi cao xung quanh có rừng bao quanh là khu di tích Tân Trào, căn cứ địa cách mạng vốn là thủ đô lâm thời của khu giải phóng trước cách mạng tháng 8 năm 1945.
Tại di tích Tân Trào, đảng ta đã tổ chức hội nghị toàn quốc ngày 13 tháng 8 năm 1945 quyết định tổng khởi nghĩa. Và ngày 16 tháng 8 năm đó quốc dân đại hội họp tại đây đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, đã bầu chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Cũng ở Tân Trào, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã làm lễ ra mắt cả nước.
Khu di tích Tân Trào gồm có những di tích sau đây:
1. Cây đa Tân Trào.
Là cây đa cổ thụ, cách đình Tân Trào khoảng 500m, ở phía ngoài trước khi đi bộ vào đình. Chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945 quân giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào cùng 60 vị đại biểu về dự quốc dân đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản quân lệnh số 1, sau đó quân giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên về giải phóng Hà Nội.
Cây đa Tân Trào là một cây cổ hụ nằm tại đầu làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cây đa trước đây cành lá sum suê, gồm 2 cây mọc cách nhau 10m, người dân nơi đây gọi là “cây đa ông” và “cây đa bà”. Năm 1993 khi một trận bão lớn đổ qua, cây đa đã bị gãy và chết 1 cây. Đến năm 2008, nơi đây chỉ còn lại cây đa Bà. Hiện cây đa Tân Trào còn sót lại này được chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc, cây đa bà hiện phát triển xanh tốt là địa điểm thăm quan của nhiều du khách khi đến thăm di tích Tân Trào.
2. Đình Tân Trào.
Ngôi đình nhỏ này được xây dựng năm Quý Hợi (1923) để thờ thần sông, thần núi tại làng Tân Lập. Kiến trúc của đình theo kiểu nhà sàn bằng cột gỗ có ba gian, hai chái với mái nhà được lợp lá cọ và sàn thì lát ván.
Ngày 16 tháng 8 năm 1945 các đại biểu Việt Minh từ các miền của đất nước đã về dự quốc dân đại hội hưởng ứng chủ trương tổng khởi nghĩa và thông qua 10 chính sách lớn, quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài “tiến quân ca”, đồng thời cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam là chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chính ở đình Tân Trào, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề thiêng liêng trong buổi lễ ra mắt quốc dân.
3. Đình Hồng Thái.
Ngôi đình này là điểm dừng chân đầu tiên của chủ tịch Hồ Chí Minh khi người đến Tân Trào vào đầu tháng 5 năm 1945. Cũng tại nơi đây các vị đại biểu từ các vùng trong cả nước đã về dự quốc dân đại hội tháng 8 năm 1945. Ngôi đình Hồng Thái chỉ cách ngôi đình Tân Trào khoảng 1km.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là trạm thường trực của ATK của trung ương đóng ở Tân Trào.
Đăng bởi: du lịch việt