Administrator

Tin tức - 21/12/2018 - 580 Lượt xem

Khám Phá Văn Hoá Chợ Nổi Miền Tây Đặc Sắc

Đối với nhiều du khách du lịch miền tây, thăm quan chợ nổi miền tây là không thể thiếu được. Tới đây, du khách có thể cảm nhận được không gian sông nước miền quê rất đỗi bình yên, tránh xa được sự sự tấp nập xe cộ của thành thị.

Phong cách mua bán truyền thống trên chợ nổi miền Tây Nam Bộ rất hoà nhã, chân tình và mến khách, khác xa lề lói bán buôn ở các chợ thị tứ. Phong cách này thể hiện nét văn hoá chợ của người miền quê rất đặc biệt, lấy tâm thành làm gốc, căn cứ nền tảng giáo dục, đạo lý làm người khá thuần hậu, luôn gieo vào lòng mọi người tình cảm mếm thương chân tình.

chợ nổi miền tây 1

Hình ảnh: cảnh họp chợ nổi miền tây.

Trong bài báo nhan đề “chợ nổi – Hương sắc miền Tây” có nhận xét khá lý thú liên quan đến phong cách bán buôn của những người sống trên sông nước miền Tây rất đáng được tán thưởng và đề cao.

Xin được trích thuật lại đây nét “văn hoá chợ nổi” này để chúng ta rộng đường suy ngẫm:

Chợ nổi là một sinh hoạt sông nước đặc thù của người Nam Bộ. Chợ họp trên sông. Bạn hãy thử hình dung trước mắt mình, giữa một vùng sông nước bao la, hàng trăm ghe, xuồng tụ tập mua bán. Tiếng chào hàng, tiếng rao, tiếng cười nói lao xao suốt một vùng sông nước.

Chợ hợp vào sáng sớm, cũng có khi kéo dài cả ngày. Trên những chiếc xuồng, chiếc ghe to nhỏ đủ cỡ chứa – chao ôi – đủ thứ hàng hoá. Nào xoài, cam, quýt, mít, dừa, bưởi, măng cụt, sầu riêng,… và đây có cả một ghe chuyên bán rắn từ miệt vườn Cà Mau lên, trong ghe còn có sẵn mấy con rùa. Rồi tôm, cá, cua, ghẹ. Nào là chim đồng, chuột đồng, rau đồng. Cái thứ rau đồng này thật hấp dẫn, từ bông súng, rau tươi, cải trời, điên điển, rau đắng, càng cua… thôi thì có đủ.

chợ nổi miền tây 2

Hình ảnh: cô gái bán trái cây tại chợ nổi miền Tây.

Mua một thì lại thêm hai. Mua một chục, cái một chục của người nam bộ thật đã đời, có nghĩa không phải chỉ có 10 là có nghĩa là 12, 14 thậm chí là 19. Thiếu một nghìn lẻ trả lại, người bán trả luôn cả một bịch mận to, có khi cả một rổ ổi lớn. Rồi cái cáh mà người bán ở đây quảng cáo rất lạ đời. Nhừng rất thú vị và bắt mắt. Một cây sào dài treo ngang lên, trên đó treo nào bí, nào tỏi, nào hành, hẹ, rau có đủ. Hay nhất là những ghe bán hủ tiếu, cháo, bún, chè, nước giải khát. Có ghe chuyên may đồ. Có ghe lại chuyên cắt tóc, làm đẹp.

Ghe vô, xuồng ra, tấp nập, đông đúc. Người ta chèo, bơi lái, len lách rất khéo. Cứ như làm xiếc. bởi hụt chút là nghiêng xuồng, lật như chơi. Nhưng mà ít khi lắm, vì người dân vùng này đã quá giỏi với tay nghề chèo ghe và bơi xuồng này rồi. Ngồi trên một chiếc xuồng đi chợ nổi, mới hiểu tại sao ở vùng đất nam bộ này người ta ưa hò, ưa hát tài tử. Sông nước mênh mông, lúc vui, lúc đông như khi đi chợ thì có thể hò đối đáp.

Khi rời chợ về, trên những ngả sông xa lắc, tiếng hò dài văng vẳng cũng đỡ nỗi cô đơn dặm trường. Canh khuya trên ghe, mấy người tụ tập tay đàn, tay phách, tiếng ca mùi mẫn, ấy là đờn ca tài tử. Mà những bài hát hay nhất, nhớ nhất là “Dạ cổ Hoài Lang” của ông Sáu Cao Văn Lầu hay bài “tình ca bán chiếu” mà danh ca Út Trà Ôn làm chết mê chết mệt bao trái tim.

Chợ nổi cũng là sưu tập của những loại xuồng, ghe bao gồm xuồng ba lá, một ván giữa và hai ván bên, chở được 5 người lớn, kín đáo và gọn gàng, luồn lách nhanh và ẩn nấp trong bụi cây cũng lẹ. Xuồng năm lá chắc chắn hơn vì làm từ 5 mảnh ván ghép lại. Xuồng ba lá ở sạp lái, người ta gắn thanh ngang, lỗ bổ ngang để làm chèo. Còn xuồng 5 lá ở sạp lái, người ta gắn thanh dọc, lỗ bổ dọc. Hai đầu xuồng năm lá có ván nằm giữa vênh lên. Vát ở hai góc cạnh, còn xuồng ba lá vát ở góc bằng.

chợ nổi miền tây 3

Hình ảnh: người dân chở hàng đi bán tại chợ nổi miền Tây.

Còn về ghe có ghe tam bản, ghe lườn, ghe chài, ghe bầu. Ghe to nhất là ghe bầu và ghe tam bản. Và điều mà chúng ta có thể thấy thú vị nhất ở đây là ngắm nhìn những đôi mắt vẽ trên mũi ghe. Ghe vùng nào có kiểu vẻ mắt đặc trưng của vùng đó. Theo tín ngưỡng dân gian thì đây là biểu tượng dùng trừ ác thú, thuồng luồng. Nhưng những đôi mắt ghe cũng phản ảnh một tâm niệm của người Việt, ấy là mọi vật đều có linh hồn, người dân nghĩ mỗi đôi mắt ấy chính là một linh hồn đang mơ màng trên sông nước.

Muốn đi chợ chuyên bán trái cây thì về chợ Cái Bè Tiền Giang. Tại Cần Thơ, nhớ ghé chợ nổi Phụng Hiệp hay chợ Ngã Bảy. Đây có lẽ là chợ nổi lớn nhất Nam Bộ. Nơi họp chợ là nơi tụ hội của 7 nhánh sông là Cái Côn, Bún Tàu, Mang Cá, Sóc Trăng, Cái Hiếu, Xẻo Môn và Xẻo Đông. Chợ này kế quốc lộ 1A nên đi thuyền cũng hay mà đi bộ cũng được.

chợ nổi miền tây

Chợ chuyên bán đặc sản như rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà. Về rắn du khách có thể uống thử rượu rắn hay xem những màn múa rắn khá mạo hiểm. Chự nổi Phong Điền – Cần Thơ là một khu chợ chuyên bán những sản vật mang phong cách dân gian, nhẹ nhàng và nên thơ. Chợ nổi Long Xuyên – An Giang, vựa gạo miền nam tập trung buôn bán gạo. Chợ nổi Cà Mau – Năm Căn có đặc sản tôm, cua, cá, thêm vào đó là mật ong rừng, gỗ tràm, gỗ đước, trăn, rắn. Rồi chợ nổi Hàm Luông ở Bến Tre, chợ Mỹ Tho trên sông Bảo Định, Tiền Giang.

Chợ là thước đo cuộc sống, thước đo của nền văn hoá theo ý nghĩa phồn thực. Và nếu đi chợ nổi Nam bộ, chắc chắn du khách sẽ hiểu thêm được những ý vị sâu xa của con người và cuộc sống của vùng đất phương Nam chân chất, dễ thương, hào hiệp và phóng khoáng.


Đăng bởi: du lịch việt

5/5 - (1 bình chọn)
Thẻ:, ,

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946