Administrator

Tin tức - 30/11/2018 - 445 Lượt xem

Khám Phá Đảo Long Sơn, Vũng Tàu Kỳ Bí.

Xã Đảo Long Sơn thuộc thành phố Vũng Tàu là một thắng cảnh biển bao gồm quần thẻ núi Nứa và khu di tích đền Ông Trần. Ở phía đông của đảo có một dãy núi dài trên 6km, ngang có chổ rộng nhất là 2km với những tảng đá lớn nhiều hình dạng khác nhau, cùng nhiều cột đá chọc thẳng lên trời cao. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Bà Trao (183m), kế đó là đỉnh núi Rồng (120m). Về phía Nam có đỉnh Hố Vong (hơn 100m).

Trên đỉnh bà Trao có một hòn đá cao 5m gọi là hòn một. Nơi này là điểm dã ngoại, leo trèo khá thích thú dành cho các bạn trẻ vui sống cùng thiên nhiên, biển trời cùng núi non. Vào dịp lễ hội, du khách tới thăm quan hòn một làm lễ thỉnh cầu thiên địa và có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng biển trời thoáng rộng.

Long Sơn

Hình ảnh: Tuyến đường trên Đảo Long Sơn

Dưới chân núi Nứa về phía Tây có hồ chứa nước ngọt mang Cá, còn về phía đông là đền Ông Trần con đường từ quốc lộ 51 vào xã Đảo Long Sơn, được mở rộng đẹp mắt dài chừng hơn 3km, có cầu đúc lớn mới xây bắc từ đất liền qua đảo. Toàn đảo Long Sơn nằm trong tầm nhìn của du khách nếu đứng từ thành phố Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 51 ra Vũng Tàu, khi còn cách trung tâm thị xã Bà Rịa chừng 9km, ở phía phải có con đường rộng hai chiều song song dẫn vào xã đảo Long Sơn.

Vào mùa xuân, du khách liên tục tới thăm quan đảo Long Sơn, trong đó có nhiều đoàn tới từ miền Tây, theo các chương trình hành hương kết hợp với thăm quan, du ngoạn.

Đền ông trần là một quần thể kiến trúc bề thế uy nghi ở thôn 5, giữa khu dân cư theo tín ngưỡng Ông Trần, một tín ngưỡng mang tính đơn giản, dân gian, có lợi ích xã hội bằng công sức lao động hợp quần được khai sáng khá sớm từ cuối thế kỷ thứ 19, vào năm 1898, tại đảo này từ thuở còn hoang vu.

Ông Trần là một nhân vật nổi tiếng xưa nay trong lòng dân gian Nam Bộ. Người ta gọi “Ông Trần” nhưng đấy không phải tên, cũng không phải họ. Thực ra, Ông thường… ở trần không mặc áo, lâu ngày sinh ra biệt danh. Ông Họ Lê, tên là Lê Văn Mưu sinh ở hà Tiên vào giữa thế kỷ 19.

Tín Ngưỡng Ông Trần Ở Đảo Long Sơn.

Vào tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết, ông cảm thấy bất lực trước tình trạng đất nước bị người Pháp xâm chiếm. Ông tránh mặt thực dân, lưu lạc tới nhiều nơi. Năm 40 tuổi, ông chọn đảo Long Sơn hoang dã, giữa rừng đước dày đặc, mênh mông để dựng nhà và khai hoang. Ông xây dựng hệ thống tín ngưỡng không đề cao một thần linh nào, chỉ chú trọng khuôn mẫu đạo đức, tìm lối sống thích hợp với xã hội từ ấy. Tín ngưỡng này không có kinh, chuông mõ, ăn chay, kiêng kỵ mà chỉ có lời dạy của ông được truyền khẩu trong dân giang.

Tín ngưỡng của ông không tạo ra đẳng cấp. Mọi người đều bình đẳng. Chỉ có một hội đồng kỳ lão điều khiển công việc ích lợi chung. Quần áo đen giản dị được chọn mặc như sắc phục, nhưng điều ông thường ở trần, từ đó mới có tên gọi. Điều đáng lưu ý là mọi người đều lao động, làm việc, đất ruộng là của chung, thành quả thu hái được cũng là của chung. Cách tổ chức này thành công rất kỳ lạ. Chỉ trong một thời gian ngắn, những kiến trúc lớn đã được xây dựng. Một ngôi nhà bề thế được gọi là Nhà Lớn được dùng làm nơi điều hành mọi công việc, chợ Long Sơn, nhà kho, nhà máy đèn,… đều thuộc vào tập thể.

Làng Long Sơn thành hình còn bé nhỏ đã có ngay quỹ cứu trợ, từng giúp đỡ bà con các tỉnh nam bộ bị thiên tai, cưu mang đưa người hoạn nạn về đảo sinh sống. Tuy vậy, sau khi ông qua đời, tập thể điều hành cũng mất theo. Nhà Lớn chỉ còn vai trò một điện thờ. Ông được con cháu đưa vào thờ cúng ở đó. Hàng năm, con cháu và tín đồ tổ chức 2 lễ hội lớn: Cúng Trùng Cửu (ngày 9-9 âm lịch) và ngày vía ông (20 tháng 2 âm lịch).

Ngôi đền có kiến trúc cổ uy nghi và bề thế rộng 2 ha gồm ba phần: khu đền thờ, nhà Long Sơn hội, trường học, dãy phố, chợ, nhà hát, nhà bảo tồn ghe sấm, và phần mộ của ông Trần. Khu đền được xây dựng từ năm 1910 đến 1935, làm nơi thờ cúng chung, có tam quan vườn hoa trụ phướn, hai nhà khách. Lầu cấm tiền điện hai tầng, tám mái, nhà thánh có bàn thờ Khổng Tử và bàn thờ ông Trần, lầu trời, lầu Tiên, lầu Phật. Nhà hậu thờ người cùng huyết thống trong gia tộc. lầu Dài dành cho lễ nghi hội hè, hồ chứa nước mưa.

Tại đây còn lưu giữ nhiều bộ thư tập cổ quý giá: bộ tủ thờ Cẩn xà cừ chạm khắc tinh xảo 33 cái, bộ bàn ghế bát tiên, tương truyền của vua thành Thái, Long Sàng, ghế ngai,bao lam, hoành phi, đối liễn sơn son, thiếp vàng lộng lẫy, thẻ hiện nghệ thuật điêu khắc trang trí của các nghệ nhân từ nhiều nơi trên đất nước tập trung về đây.

đảo long sơn 1

Hình ảnh: Đình Thần Xã Long Sơn.

Khi thăm quan xã Long Sơn và viếng đền Ông Trần du khách cần lưu ý:

+ Đi thăm đền, luôn luôn có người của Nhà Lớn đón tiếp. Các lầu nối tiếp nhau bằng những cây cầu, nhưng riêng Lầu Cấm không mở cửa đón khách.

+ Có hàng trăm bàn thờ, nhưng tất cả không có tượng thờ, không đọc kinh. Bàn thờ theo đúng kiểu xưa, phía trước có giường thờ, trên để đủ gối quạt.

+ Ông Trần sống rất giản đơn cho nên mộ ông chỉ là nấm mồ cát, không có bia, theo chủ trương không đề cao cá nhân. Di vật của ông chỉ còn chiếc ghe ông thường dùng vượt biển, nay đặt để bên hông chợ Long Sơn.

+ Ở Nhà Lớn luôn luôn có người túc trực, nhà bếp sẵn sàng mời bất cứ du khách nào một bữa cơm chay, trong tinh thần “anh em bốn biển là nhà”. Nếu du khách cần ngủ lại, nơi đây luôn sẵng sàng mùng chiếu để mời với cung cách truyền thống theo giáo huấn của Ông Trần.

+ Nếu muốn đi thuyền quanh đảo và muốn tắm ở bãi tắm yên tĩnh vắng vẻ trên đảo Gò Găng du khách có thể mướn thuyền một vòng gần 3 giờ đồng hồ với giá tầm 700k đến 1 triệu đồng.


Đăng bởi: du lịch việt

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946