Hồ Tiên, suối Tiên nằm cách tp Nha Trang tầm 25km về hướng Nam. Để đi đến du khách có thể men theo quốc lộ 1A về hướng Nam gặp suối Cát, từ đó theo con đường nhỏ lên hướng Tây 5km nữa là khu vực Hồ Tiên.
Ngoài các hồ nước ở trên vùng núi Tây Nguyên có cảnh quan đẹp kỳ thú, thu hút du khách vừa kể còn có một số hồ nằm ở lưng chừng dãy Trường Sơn về phía Đông và nằm giữa rừng sâu có tính chất đặc thù, kỳ lạ thuộc vùng Nam Trung Bộ.
Hồ Tiên và Suối Tiên: cả hai bổ sung tiềm năng dã ngoại cho nhau, cùng nhau tạo thành một thắng cảnh nổi tiếng thu hút khách nhàn du khám phá từ lâu nay. Biết bao giai thoại đã phát sinh ở vùng hồ suối này.
Nhà thơ Định Phong đã cảm tác cảnh vật với huyền thoại tại đây:
Suối Tiên nước chảy lững lờ,
Tiên đi đâu để bàn cờ rêu phong?
Mây trôi ngày tháng theo dòng,
Bền gan đá vẫn ngày mong đêm chờ.
Chừ mong sắp sửa cuộc cờ.
Thú vui chung cả đôi bờ Bắc Nam,
Động Tiên chưa bén gót phàm
Hồ Tiên sóng vẫn đợn chàm long lanh.
Cây cao hoa lá sum cành,
Ráng mây nỡ để nặng tình nhớ thương.
Sở dĩ gọi là hồ Tiên vì dân gian kể lại rằng ngày xửa ngày xưa tại nơi này có tiên từ thượng giới xuống tắm mát. Trên thực tế hồ có cảnh quan tuyệt mỹ, trữ tình, cũng đáng gọi là hồ Tiên rồi, chẳng cần rõ xưa kia có tiên tới tắm thật hay không.
Nước hồ trong thấy tận đáy, có cát trắng phau, chỉ cần nhìn thấy cũng đã thích, không cần đợi tới việc xuống bơi lội, vùng vẫy trên mặt nước.
Ở vùng hồ suối này còn có đặc điểm đáng chú ý:
1. Trên một số tảng đá rộng lớn và bằng phẳng, nửa nằm dưới thác nước, nửa ở trên bờ, có in chữ “điền” và chữ “khẩu”, nét đã mờ rêu. Chung quanh có một ít đá vụn như hình tròn do mưa gió mài mòn. Người ta nói rằng đây là bàn cờ Tiên với các con cờ còn để lại.
2. Ở suối phía trên, nhiều hòn đá chồng chất lên nhau tạo thành hang động. Nhiều nơi có thể dùng làm chổ ngồi nghỉ chân, thư giãn. Chung quanh có nhiều cây rậm mát và hoa rừng toả mùi hương thoang thoảng dễ chịu. Người ta cũng nói rằng đây là động Tiên.
Vì đã có động Tiên, bàn cờ Tiên với hồ Tiên cho nên gọi dòng suối đẹp Mỹ miều kia là suối Tiên cũng phải lẽ.
Người ta thuật lại rằng vào thuở xưa, các tiên ông, tiên bà, tiên cô thường rủ nhau xuống nhàn du chơi ở vùng này. Tiên ông ngồi đánh cờ. Tiên bà ngoạn cảnh và tiên cô đi… tắm. Ai mỏi chân thấm mệt thì vào động nghỉ ngơi.
Một hôm có một tiên ông vì quá chén ngủ quên trong động, lúc tỉnh dậy một mình đi xuống suối. Bất ngờ lúc ấy có nhiều tiên nữ đang tắm mát phía dưới. Tiên ông nhìn thấy khoái mắt quá cũng như người trần tục phá lên cười thoả thích. Các tiên nữ giật mình hổ thẹn, vụt bay thoát lên trời, bỏ lại tất cả xiêm y bên bờ hồ. Những xiêm y này biến thành mây ngũ sắc bay vờn trên các cây cổ thụ…
Còn một truyện khác nữa thường được nhắc tới trong các tour dã ngoại, khi khách tới đây.
Trong thời kỳ các tiên còn đến chơi vùng suối hồ này còn có ông khổng lồ tới ngoạn cảnh. Ông bước chân lên những tảng đá đầy rong rêu, vì lơ đễnh khi nhìn trộm các cô tiên nữ… tắm nên bị trượt chân. Ông giật mình chân bấm vào đá, tay bấu vào vách núi cho khỏi té ngã. Ông khổng lồ đỡ quá mạnh đến nỗi bàn tay lún vào đá, một khoảng vách đá bị bể vỡ văn ra tận mé biển hoá thành hòn Chồng (Đực và Cái). Vì đó mà có dấu tay trên hòn đá chồng cho tới ngày nay. Còn chân ông bấu cũng mạnh quá, đến nỗi lưu dấu mãi mãi ở suối Tiên.
Vì thế có bài thơ… tiếu để đời trong lòng dân gian:
Khổng lồ vừa mập vừa cao,
chân đi trên đá,
Mặt ngó vào hồ Tiên
Trong ngần nước tẩm dòng quyên
Năm ba pho tượng… thiên nhiên nõn nà.
Thân ông run,
Hồn ông động,
Tim ông rung,
Mắt ông loà,
Bảy nghiêng tám ngả…
Đá mấy toà rung rinh.
Bước gập ghềnh,
Thất kinh
Ông vội vã
Bám vào vách đá,
Nhưng ông vẫn ngã cái ình!
Tiên giật mình bay mất.
Riêng ông để dấu si tình (lại) nghìn thu!
Đăng bởi: du lịch việt