Đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam. gắn liền với hòn đảo này là giai thoại Bà Kim Giao, một người có công trong công tác khai phá đất phương nam, tạo nên kỳ tích phát triển vùng đảo Phú Quốc.
Đến Phú Quốc, trước khi thăm lại căn cứ kháng chiến của Nguyễn Trung Trực và mộ bà Lớn Tướng Lê Kim Định, mời du khách ghé thăm Dinh Bà (Dinh Bà Trong), nơi thờ Kim Giao Thần Nữ. Được người dân Phú Quốc xem như người đầu tiên khai khẩn đất đai trên đảo.
Dinh được xây dựng trên hữu ngạn sông Cửa Cạn. Trước kia dinh làm bằng cột trai, mái tranh vách ván rộng lớn, nhưng thời gian và chiến tranh tàn phá. Ngày nay, dinh được trùng tu và tái tạo khang trang, vật liệu xây dựng dinh là tường vôi, mái ngói rực rỡ, bên trong thờ linh vị Bà Kim Giao. hàng năm nhân dân Phú Quốc tổ chức cúng tế vào ngày rằm tháng 11 âm lịch.
Truyền Thuyết Bà Kim Giao.
Truyền rằng, từ đời nào không rõ, Phú Quốc sơ nguyên là nơi hoang đảo. Có người phụ nữ Cao Miên tên là Kim Giao đến ở.
Bà là công chúa, do dòng họ bị phế truất nên phải lưu lạc cùng đoàn tuỳ tùng đến bên bờ sông Cửa Cạn. Bà cũng có mang theo đàn trâu. Tại đây, bà thiết lập một đồng cỏ rộng lớn cho đàn trâu; đưa người đi quan sát đất đai khắp nơi tìm chổ thuận tiện canh tác; tuyển mộ người dân trên bờ biển đến và tiến hành khai khẩn trồng trọt.
Nhưng việc canh tác không thành công, khi thấy nạn đói cận kề, bà họp toàn thể gia đình và tuỳ tùng lại, chia tất cả những gì bà có cho họ, khuyến khích họ ở lại đảo với điều kiện: thôi không làm ruộng nữa và thả hết đàn trâu khi bà qua đời. Những người kế nghiệp nể lời bà thả đàn trâu đi và không trồng lúa nữa, họ lập vườn, đánh cá…
Những vết tích khai khẩn hiện nay vẫn còn thấy, đó là cánh đồng trồng lúa, mà dân địa phương gọi là đồng Bà. Trên đồng còn nhiều cột cây trai – vết tích cổng chuồng trâu thở nọ; dọc theo sông cửa Cạn còn một địa danh ghi lại sự hiện diện của bà: búng Dinh Bà, nơi mà ngày xưa bà lập doanh trại (trên bờ cửa Búng). Một đàn trâu được thả sau này sinh sản rất đông, cách đây gần nửa thế kỷ có người trông thấy đàn trâu này, ngày nay thì không còn nữa.
Dân chúng cho rằng khi dòng họ khôi phục được cơ nghiệp, bà trở về nước, có người nói bà chết ở Cửa Cạn và sau đó được triều đình cho người lấy hài cốt về Cao Miên. Lại có truyền thuyết khác cho bà đã chết ở hò Phú Dự, nhưng điều chắc chắn là hiện nay ở Cửa Cạn không có mộ của bà. Bà được dân chúng Phú Quốc tôn kính. Họ coi bà như người tiên phong khai phá đảo Phú Quốc.
Đăng bởi: du lịch việt