Vua Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 năm 1443 tức năm Nhuận Thiên thứ 6 và đến ngày 23 tháng 10 mới đem an táng ở Vĩnh Lăng, Lam Sơn.
Công Trình Vĩnh Lăng được xây dựng trên khu đất bằng phẳng ở phía nam chân núi Dầu, cách phía bắc điện Lam Kinh 50m, nằm trên trục bắc – nam giữa núi Dầu và núi Chúa. Bên trái lăng là núi Ngũ Lâm và núi Hổ; bên phải lăng là núi Hướng và núi Hàm Rồng. Còn phía trước lăng khoảng 1km là dòng sông Chu uốn cong ôm lấy mặt tiền của lăng.
Di tích Vĩnh Lăng được xây dựng thật đơn giản song đầy vẻ tôn nghiêm. Lúc ban đầu mộ được đắp bằng đất hình khối vuông và xung quanh mộ được chèn bằng gạch; về sau do bị sạt lở nên được xây bằng đá, mỗi cạnh là 4,4m và cao 1m.
Cũng trong khuôn viên của Vĩnh Lăng có bai Vĩnh Lăng được xây dựng năm 1443 trên đỉnh đồi ở phía đông, tức là phía tây nam điện Lam Kinh, tính ra khoảng cách từ bia Vĩnh lăng đến lăng chỉ khoảng 300m. Bia bằng đá nguyên khối cao 2,79m, rộng 1,94m và dày 0,27m được đặt trên lưng một con rùa đá dài 3,46m, rộng 1,94m và cao 0,9m, kể cả đế rùa. Văn bai nêu toàn bộ gia tộc, thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi soạn.
Nói chung, khi du khách du lịch Thanh Hoá đến viếng thăm di tích Lam Kinh ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá không những được tìm hiểu, tận mắt ngắm nhìn quang cảnh và các công trình của di tích Lam Kinh một thời là thành lớn sau thành Đông Kinh (Thăng Long) mà còn được thăm một số công trình như Vĩnh Lăng được xây dựng trên cảnh quan riêng có của vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hoá.