Đền Cuông được xây trên núi Mộ Dạ thuộc dãy núi Đại Hải bên quốc lộ 1A thuộc xã Diễn An huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cách tp Vinh tầm 30km về phía Bắc, vốn là đền thờ Thục An Dương Vương. Đây là một ngôi đền linh thiêng nổi tiếng khắp xứ Nghệ. Sở dĩ đền được lấy tên này vì xưa kia, núi Mộ Dạ là nơi sinh sống của rất nhiều chim Công. Người dân khu vực gọi chim Công theo tiếng địa phương là chim Cuông. Dần dần ngôi đền nguy nga trên ngọn núi cũng có được tên gọi là đền Cuông.
Kiến Trúc Xây Dựng Đền Cuông.
Đền được xây dựng theo kiểu chữ Tam. Cửa tam quan lớn, cổng giữa là ba lầu rêu phong cổ kính. Riêng ngôi trung điện thì theo kiểu chồng diêm tám mái; còn các ngôi khác trong đền đều có kiến trúc bốn mái và đầu đao cong vút. Các ngôi nhà đều bề thế, cột to, tường dày với đường nét hoa văn được đắp và chạm đẹp.
Trong thượng điện có bàn thờ Thục An Dương Vương. Trung điện là bàn thờ vị tướng đã giúp vua chế tác nỏ thần là Cao Lỗ. Ngôi đền cổ này có nhiều hiện vật quý như trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí, trên những bức hoành phi và cột có nhiều tư liệu bằng chữ Hán nhắc nhở các thế hệ nhó công đức của Thục An Dương Vương.
Hàng năm vào ngày 12 – 16/2 âm lịch, đông đảo du khách đến với xứ Nghệ để tham gia lễ hội đền Cuông, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dựng nước của Thục Phán An Dương Vương.
Đền Cuông là di tích được nhà nước xếp hạng và cũng là danh lam thắng cảnh mà nhiều du khách thường hay thăm quan. Với một vẻ đẹp hài hoà, giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể có một thoả thuận từ ngàn đời trước sự xây dựng bởi bàn tay con người.
Lễ khai quang đầu tiên, diễn ra vào ngày 12/2 âm lịch để xin phép thần linh cho người dân được dọn đẹp đền, chuẩn bị cho lễ hội. Tiếp theo là lễ cáo trung thiên được tổ chức vào sáng ngày 14/2 để báo cáo, mời các vị về tham dự lễ hội và chứng giám cho lòng thành kính của nhân dân.
Lễ Yết diễn ra vào chiều tối ngày 14/2 gồm 6 bước tiến hành qua 35 lần xướng. Sau đó là phần dân hương của các đại diện ban ngành địa phương.
Trong tối ngày 14/2, ban tổ chức làm lễ rước vua và công chúa vi hành. Sáng 15/2 tiến hành lễ nghinh vua, công chúa và tướng Cao Lỗ từ đình Xuân Ái về đền Cuông. Sau là lễ đại tế là lễ chính. Cuối cùng là lễ tạ được tổ chức vào sáng 16/2 để tạ ơn các vị thần linh về tụ hội.
Lễ hội đền Cuông là một trong những lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc, cuốn hút nhiều du khách thập phương đến tham gia, có điều kiện du lịch Nghệ An, bạn có thể đến tham dự lễ hội này nhé.