Chùa Hưng Ký còn có tên gọi khác là Vũ Hưng Tự, hiệu là Vũ Hưng Truyền Am. Đây là ngôi chùa toạ lạc tại ngõ Hưng Ký, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội.
Chùa Hưng Ký nổi tiếng với kiến trúc gốm sứ, độc đáo tại Hà Thành, được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938 mới hoàn thành, sau bao năm vẫn giữ nguyên màu men gạch. Công trình bao gồm: cửa Tam Quan, tiền đường, Phật điện, nhà bia nằm trên một diện tích rộng 3000m2.
Những công trình trên thực sự làm cho quy mô của chùa Hưng Ký bề thế, trang nghiêm. Cửa tam quan được cấu trúc hình chóp ba tầng với 5 cửa, nhưng chỉ có 3 cửa ra vào. Phật điện có 3 gian và bái dường có 7 gian với 12 cột chính; mỗi cột cao đến 7m. Toàn bộ cột kèo đều được đổ bê tông cốt thép. Mái chùa được lợp bằng ngói ống. Phía sau Phật điện có nhà bia được xây theo kiểu 4 trụ hai tầng mái. Giữa bia đặt tấm bia đá liền khối trên tạc mái cong và chóp là hình hoa sen toả nở.
Trong chùa có một số tượng phật đẹp: ở Phật điện có tượng phật A Di Đà bằng gỗ cao 3,86m được đặt trên bệ cao 1,3m. Còn ở bái đường có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí là hai pho tượng được tạc bằng gỗ cao 3,3m đều đặt trên toà sen. Tượng Quan Thế Âm đầu đội mũ pháp sư, mình mặc áo cà sa trong tư thế đứng giơ tay. Còn tượng Đại Thế Chí thì tay đang cầm bình nước cam lộ.
Sự độc đáo trên hai bức tường ở hồi bái đường tạo thập điện Diêm Vương được cấu trúc theo kiểu động. Mỗi bên động là 5 vị Diêm Vương, 2 vị Thiên Vương và nhiều tượng khác. Công trình này thể hiện 3 phần đời với 3 cảnh khác nhau. Trong khung cảnh trên thập điện có con cò xoải cánh bay toát lên một nét thoải mái. Còn cảnh dưới thập điện là cửa ngục, trong đó quỷ đang hành hạ những người từng gây tội ác với đồng loại.
Chùa Hưng Ký được xây dựng bằng loại vật liệu hiện đại, chủ yếu là gốm sứ, gạch ngói do hiệu Hưng Ký ở Yên Viên sản xuất, do đó chùa Hưng Ký hiện nay là ngôi chùa có giá trị về mặt nghệ thuật của kiến trúc tôn giáo ở thủ đô Hà Nội. Theo báo Hà Nội mới số ra ngày thứ 7 ngày 21 tháng 2 năm 2004, ông Trần Văn Thành là chủ hiệu Hưng Ký đã đầu tư chủ yếu bằng công của để xây dựng ngôi chùa hiện đại.
Vào năm 1992 ngôi chùa đã được nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng di tích văn hoá – lịch sử của đất nước.
Đăng bởi: du lịch việt