Administrator

Tin tức - 28/02/2019 - 552 Lượt xem

Văn Hoá Dân Gian Hát Gọi Đò

Hát Gọi Đò hay hát đưa đò của các thiếu nữ lúc chèo đò dọc (theo dòng sông) hay đò ngang (đưa khách sang sông). Trong lúc đưa đò, các thiếu nữ cất tiếng hát lảnh lót trên mặt nước mênh mang theo nhịp cây chèo khua bên mạn mũi hay mái đò.

Giọng hát rất là quyến rũ, ý nghĩa trữ tình.

Sông bao nhiêu nước cũng vừa

Đôi ta giọng hát đò đưa khác gì?

Hoặc là:

Mẹ cha khuyên nhủ sớm trưa

Nhưng em vẫn hát đò đưa cùng chàng.

Giọng hát gọi đò, phần nhiều êm êm, đượm nét buồn và dường như có ma lực cám dỗ. Câu hát nhiều nhưng phần lớn theo thể điệu của thơ bình dân lục bát và cách gieo vần của mấy bài hát ngắn dài khác nhau cũng theo thể điệu này.

Các giọng đò đưa đã đi vào phong tục tập quán. Có một số người nhận định rằng: “hát đò đưa” là cách biểu lộ ý tưởng “đẩy đưa”, không dứt khoát, thiếu nghiêm chỉnh.

Ca dao cũng có câu:

Trai khôn tránh khỏi vợ thừa

Gái khôn tránh khỏi giọng đò đưa mới là.

Nhận định về hát đò đưa, Toan Ánh viết.

Thực ra giọng hát đò đưa miền Bắc chỉ là giọng hát huê tình. Các cô cậu lái đò trong khi chờ đợi đưa khách qua sông để tâm hồn được thông cảm với nỗi niềm riêng thường hát lên. Các cô cậu hát thường không phải là để quyến rũ ai, mà cũng không phải hát cho một thính giả nào… Các cô cậu hát cho mình, nhưng cha mẹ các cô gái cứ luôn luôn dặn dò các cô phải coi chừng giọng hát đò đưa.

hát gọi đò

Giọng hát đò đưa thật quyến rũ. Theo Mai Văn Lương, phải kể tới giọng hát đò đưa miền Trung nhất là giọng hát của các cô gái đưa đò trên sông Hương ở Huế, giọng hát này, tức là hò Huế.

Lối hát gọi đò cũng rất thịnh hành ở vùng Nghệ Tĩnh, các cô cậu lái đò vừa chèo thuyền vừa hát một mình hoặc có đối đáp với nhau. Hát một mình, dù trai hay gái hát, gọi là hát buông, còn hát có đối đáp gọi là hát cuộc. Khi “hát cuộc” hoặc hai chiếc thuyền đi song song với nhau, hoặc chiếc nọ đi sau chiếc kia trên một dòng sông.

Người hát, ngoài trai gái lái dò có thể là khách đi đò.

Chèo đò thường vất vả, dãi nắng dầu sương mà công xá chẳng đủ ăn, do đó trong lúc “hát buông” các lái đò thường nhắc đến tình cảnh của mình:

Cau khô ăn với hạt bèo

Lấy chồng đò dọc, ráo chèo chi ăn.

Nghề chèo đò có kiếm được bao nhiêu, chỉ chèo, chèo ráo nước cũng thiếu ăn.

Một trăm ông lái đò thanh nhà

Không thương trai bạn cơ hàn nắng mưa

Hát gọi đò tuy là một giọng hát trong việc làm nhưng khi trai gái đối đáp đã biến thành lối hát “trao tình”.

Sông rộng trời cao, gió mát trăng trong, trước cảnh đẹp lại gặp người đẹp hỏi trai gái nào không khỏi động lòng. Họ hát với nhau, họ trao đổi tình duyên, họ hẹn hò căn dặn, mai sau có nên duyên hay không là chuyện khác. Họ hãy biết ngày nay gặp gỡ, cùng nhau hát trong cuộc đưa đò, cùng nhau trao những lời êm dịu qua câu hát để hưởng lấy đêm trăng, để hưởng lấy cảnh đẹp và để hưởng lấy sự trìu mến nũng nịu qua những lời hát ân ái, lấy mái chèo làm nhịp, khua xuống mặt nước như nhặt như khoan.

Trên những dòng sông thuyền bè qua lại, có biết bao mối tình đã bắt đầu, được gửi lại hoặc được kết thúc tốt tươi.

Sông sâu sóng vỗ rập rình

Sông bao nhiêu nước thương mình mấy nhiêu.

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946