Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hoá Ấn Độ cổ, từ đầu văn hoá Chămpa gần như một nước Ấn Hoá. Từ khi hình thành tới thế kỷ thứ 10, xã hội Chămpa đã có những triều đại lớn.
– Từ thế kỷ thư 6 đến thế kỷ 8: Triều đại Gangaragia có kinh đô là Sinhapura, khu vực Trà Kiệu ở huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam ngày nay (trước thế kỷ thứ 6 có 3 triều đại nhưng không rõ tên).
– Từ thế kỷ 8 đến giữa thế kỷ 9: Triều đại Pandurana, kinh đô là Virapipura, ở vùng Phan Rang, Ninh Thuận.
– Giữa thế kỷ 9 đến thế kỷ 10: Triều đại Indrapura, kinh đô cũng gọi là Indrapura, ở khu vực Đồng Dương, tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Vào các thời ấy, thể chế nhà nước theo lối quân chủ chuyên chế. Nhà vua có toàn quyền đối với đất nước và cư dân, vương hiệu thường dùng là Varman như Ấn Độ. Triều đình có 2 vị đại thần (tôn quan) đứng đầu, một lo về các vấn đề dân sự và một lo việc quân sự giúp nhà vua điều hành việc nước. Dưới 2 vị đại thần này có một số thuộc quan chia thành 3 cấp: Luân Đa Tính, Ca Luân Trí Đế và Ất Tha Già Lam.
Ở địa phương, các châu đều có hai chức chánh và phó cai quản địa hạt với sự giúp sức của nhiều quan lại cấp nhỏ. Tất cả các quan chức đều không được hưởng lương, bổng lộc của nhà vua, cũng không được cấp ruộng đất. Dân trong quản hạt có bổn phận chi cấp cho họ.
Hình ảnh: xã hội Chămpa
Nhận xét chung của một số nhà nghiêm cứu, sử học: đa số vua chăm đều rất hiếu chiến. Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng nhà nước, họ thành lập quân đội có tới 4 – 5 vạn người. Lực lượng quân sự này bao gồm bộ binh, tượng binh (voi trận) đến cả ngàn con, và thuỷ binh cũng đến hàng trăm chiến thuyền lớn, nhỏ. Vũ khí gồm có cung nhỏ, giáo mác, mộc gỗ và áo giáp làm bằng mây đan.
Vương quốc Chăm không có luật ghi rõ thành văn bản, vì chưa biết làm ra giấy. Những người có tội, bị xử phạt nặng như bị voi giày, gậy nhọn đâm vào đầu. Tội nhẹ thì bị bắt làm nô lệ.
Trong xã hội, người dân được chia thành 4 đẳng cấp rập khuôn theo xã hội Ấn Độ. Đứng đầu là Brahman (Tăng lữ), Kratrya (quý tộc), là hai đẳng cấp cao nhất nắm quyền hành cai trị đất nước. Kế đến là Vaishya và Sudra là dân bị trị. Sau cùng là Hulun (nô lệ) là tầng lớp mạt hạng, rất đông.
Mặc dù quần chúng xã hội Chămpa theo chế độ mẫu hệ rất rộng rãi, giai cấp thống trị vẫn là người theo chế độ phụ hệ, vua, quan đều thuộc nam giới. Từ thế kỷ thứ 4 và 5, xã hội Chămpa đã phát triển. Theo các bia ký, vào thế kỷ thứ 3 và 4, người Chăm theo Ấn giáo. Thần Indra được coi là tối cao, được thờ ở khắp nơi. Ngoài ra còn có các vị thần khác được sùng bái hàng hàng đầu theo Ấn giáo là Brahman, Vishnu và Siva. Điều đáng chú ý là người Chăm tôn thần Siva là vị thần có sức mạnh tàn phá của tự nhiên lên vị trí cao nhất. Nhiều nơi còn phối hợp với tín ngưỡng cổ truyền, dựng thành ngẫu tượng Siva – Uma, vừa có râu vừa có vú. Uma là vợ của Siva.
Vào thế kỷ thứ 5, đạo phật du nhập vào xã hội Chăm tới thế kỷ 9, trở thành một tôn giáo được tôn là cao trọng. Ở các địa phương, tín ngưỡng dân gian vẫn tồn tại và phát triển. Xã hội Chămpa vẫn tiếp tục thờ tổ tiên, Linga (dương vật), Yoni (âm vật) và ngẫu tượng Linga – Yoni.
Mặc dù chưa biết cách làm ra giấy, xã hội Chămpa khá sớm sáng tạo ra được chữ viết cho riêng mình, kể từ thế kỷ 4, theo mẫu tự Phạm ngữ của Ấn Độ, trở thành dân tộc đầu tiên ở Đông nam Á đã có chữ viết riêng, một loại chữ gồm 16 nguyên âm, 31 phụ âm và 32 âm sắc.
Người Chăm cũng có lịch riêng. Với 12 con giáp trong chu kỳ 12 năm, tiếp thu từ Ấn Độ, gồm có:
1. Thun Tokuh (năm con chuột).
2. Thun Kapaw (năm con trâu).
3. Thun Rmong (năm con cọp).
4. Thun Tapay (năm con thỏ, người bắc gọi là mèo).
5. Thun Inư Kiray (năm con rồng).
6. Thun Ula (năm con rắn).
7. Thun Altheh (năm con ngựa).
8. Thun Pape (năm con dê).
9. Thun Kra (năm con khỉ).
10. Thun Mưnu (năm con gà).
11. Thun Thun Athou (năm con chó).
12. Thun Papuy (năm con heo).
Lịch Chăm chỉ có 3 mùa trong năm.
1. Păl kabow là mùa có tiếng sấm đầu tiên rền buổi đầu năm, bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 theo lịch Chăm, tức là vào tháng 4 và tháng 5 đến tháng 7, tháng 8 theo dương lịch, mùa này cũng là mùa gieo hạt.
2. Pă halim hacan là mùa mưa gió, từ tháng 5, đến tháng 9 theo lịch Chăm, tức là từ tháng 8 đến tháng 12 và tháng 1 theo dương lịch và cũng là mùa nước lớn, thực ra lúc này là lũ từ trên vùng núi đổ xuống khá nhiều, đây là mùa lũ lụt hàng năm.
3. Păl pinh piang là mùa nóng nực, mùa cây cối trơ trụi, kể từ tháng 10 đến hết tháng 12 của lịch Chăm, từc là tháng 1 đến tháng 4 theo dương lịch, và cũng là mùa gặt hái đã xong, ruộng đất chỉ còn trơ ra các gốc rạ, trời nóng như rang, cây cỏ không mọc nổi hay bị cháy xém, do đó mùa này còn gọi là mùa nắng cháy.
Hình ảnh: xã hội Chăm pa Vua Chămpa
Theo thư tịch cổ Trung Quốc vào đời nhà Tống ghi nhận và chép về tình hình đất nước Chămpa cho biết: vào ngày tết, ngừoi Chăm dắt một con voi ra khỏi thành đô và cho con vật này được tự do đi lại, vì họ nghĩ rằng làm như thế là đã đuổi được tà ma cho năm mới. Vào tháng 4, người Chăm tổ chức đua thuyền rất long trọng. Các tàu thuyền đánh cá đều được tham dự cuộc đua này.
Vào mùa hội Đông chí, nhằm ngày rằm tháng 11, các địa phương dâng lên vua những sản phẩm về nông nghiệp và thủ công nghiệp. Ngày rằm tháng 12, người Chăm xây ở ngoài thành kinh đô một cái lầu để nhà vua và các cấp quan lại đặt vào nhiều thứ gồm quần áo và hương liệu rồi đốt để cúng trời.
Đăng bởi: du lịch việt