Administrator

Tin tức - 09/12/2019 - 347 Lượt xem

Những Nét Độc Đáo Lễ Hội Hải Phòng

Hải Phòng thành phố với tốc độ phát triển đô thị hoá cao, nhưng Hải Phòng vẫn còn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống, lễ hội Hải Phòng đặc sắc thu hút du khách thăm quan. Sau đây là những nét đặc sắc về lễ hội Hải Phòng bạn có thể tham khảo.

I. Giới Thiệu Về Du Lịch Hải Phòng Và Lễ Hội.

lễ hội hải phòng

Ngoài nghỉ dưỡng, tắm biển vui chơi và giải trí, du khách tới Hải Phòng còn có dịp tham dự những hội độc đáo vui nhộn.

Vào mùa xuân, du khách sẽ chứng kiến nhiều lễ hội truyền thống và đi thăm các di tích lịch sử. Mùa hè, du khách thực hiện những chuyến vui chơi giải trí tại bờ biển Đồ Sơn, đảo Cát Bà, vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Mùa thu, du khách tham dự các hội chọi trâu và các hoạt động văn hoá dân gian. Mùa đông, có thể giải trí với thú vui leo núi, thăm hang động ở Cát Bà và núi Voi. Như thế là đủ cả bốn mùa, mùa nào cũng có thú vui riêng.

Ngoài ra, du khách sẽ hài lòng với những món ăn đặc sản biển và những cuộc du lịch có ý nghĩa trên biển cả với nắng ấm miền nhiệt đới.

II. Lễ Hội Mùa Xuân Tại Hải Phòng.

1. Hội Đu Xuân Ở Thuỷ Nguyên.

Vào dịp tết nguyên đán hàng năm, nhiều địa phương thuộc huyện Thuỷ Nguyên thường tổ chức trò vui chơi hấp dẫn truyền thống, được nam nữ thanh thiếu niên hoan nghênh nhiệt liệt. Đó là cuộc vui xuân với cây đu quen thuộc.

đu xuân hải phòng

Từ ngày 28, 29 tháng chạp âm lịch, mỗi địa phương lo chuẩn bị trồng từ một đến vài cây đu tại nhiều địa điểm khác nhau.

Đánh đu là một cuộc đua tài, rất kích thích sự hoạt động hồn nhiên và sự dạn dĩ, can đảm của người chơi đu. Trò chơi này còn có tính cách thư giãn tâm trí, bồi dưỡng sinh lực. Hình thức: đu đơn, đu cặp (đôi nam nữ, hoặc 2 nam, 2 nữ).

Trò chơi trong lễ hội Hải Phòng truyền thống này từ xưa có những câu ca dao mô tả:

Nhún mình như thể nhún đu,
Càng nhún càng dẻo dai, càng đu càng mềm.

Chơi đu, cũng có quy ước: lúc đu trai gái phải hát, hò với nhau mới thêm vui nhộn.
Đu tiện mới dựng năm nay,
Cô nào hay hát, kỳ này hãy lên.
Hoặc là:
Chơi đu thì phải hò đu.
Bao nhiêu trai gái lên đu phải hò.
Xưa chơi đu có nhiều loại: đu tiên, đu bay, đu ngóc… Theo sử sách cũ, trò chơi đu xuất hiện từ thời Trần.

2. Múa rối cạn và múa rối nước.

múa rối nước hải phòng

Múa rối là môn nghệ thuật dân gian lâu đời đặc sắc của lễ hội Hải Phòng. Tương truyền, phường múa rối cạn có tới 7 đời ở Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, cách trung tâm tp Hải Phòng hơn 30km. Còn múa rối nước xuất hiện vào thời nhà Lý.

Nghệ thuật múa rối Bảo Hà ngày càng phát triển. Khi biểu diễn múa rối có nhạc phụ đệm, có lời ca hay thuyết minh hoặc đối đáp. Múa rối cạn mang tính chất sân khấu kịch hát.

Múa rối nước Nhân Hoà là một loại hình sân khấu kết hợp với thiên nhiên và lửa pháo. Con rối nước Nhân Hoà làm bằng gỗ sơn then,m không mặc áo quần. Nơi biểu diễn rối nước là hồ ao. Ngày nay người ta dùng bể nước để có thể trình diễn rối nước tại một rạp hát.

3. Lễ hội xuống biển.

Là lễ hội đặc thù của đảo Cát Bà, được tổ chức hàng năm tại làng chài Trân Châu, thời gian 3 ngày, từ mồng 4 đến ngày mồng 6 tháng giêng (âm lịch).

Sau thủ tục nghi lễ Thuỷ Thần, Long Vương, một hồi trống lệnh vang lên, hàng trăm trai tráng ngư phủ trong làng tay cầm chèo, hò reo đua nhau chạy tới thuyền mình để kịp nơi quy định nhanh nhất.

Một người chèo, một người gõ nhịp vào mạn thuyền, một người tung lưới. Tiếng gõ càng mạnh, càng dồn dập,m cá càng hoảng sợ mắc vào lưới càng nhiều.

Đến trưa, có pháo lệnh “thu quân”. Mọi người khiêng cá của mình vừa kéo lưới được đưa lên sân đình làng để các bô lão chấm thi. Những con cá ngon nhất được chọn nướng ngay trên đống lửa đỏ rực để tế thần. Số còn lại chia cho mọi người. Người nào được cá lớn nhất hay được nhiều cá nhất sẽ được trao giải thưởng.

4. Hội Đền Nghè.

Là lễ hội Hải Phòng độc đáo được tổ chức từ ngày mồng 8 đến ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch ở phố Lê Chân, quận Lê Chân,m là nơi thờ bà Lê Chân, một nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Lễ hội tưởng nhớ công ơn Bà có nghi tục rước mũ, ấn từ đền Nghè về đình, cỗ tế chay hoặc mặn, có đấu vật, đánh cờ tướng.

5. Hội Đền Dẹo.

Còn được gọi là đền Phò Mã. Đền này ở thị trấn Núi Đèo, huyện Thuỷ Nguyên, thờ danh tướng Lại Văn Thành, một tướng giỏi của đời Trần, được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng.

6. Hội Đình Dư Hàng.

Ở xã Dư Hàng, huyện An Hải vào ngày 18 tháng 2 âm lịch. Tổ chức khá trang nghiêm với lễ nghi tế, rước lớn, rước thần vị sang các xã giao hiếu như Đông Khê, Hàng Kênh, Phụng Tháp. Trước sân đình có các trò đấu vật, đánh cờ, chọi gà, tổ tôm, diễn chèo, ca trù, hát chầu văn.

III. Lễ Hội Hải Phòng Mùa Hè, Thu và Đông.

1. Mùa Hè.

Hội đua thuyền rồng ở đảo Cát Hải. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức trên mặt biển vào ngày 1 tháng 4 dương lịch, nhân kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà và cũng là ngày truyền thống ngành thuỷ sản Việt Nam.

đua thuyền rồng cát hải

Ngày này cũng là ngày vui đầu vụ cá ở vùng biển Bắc bộ, nhân dịp các đội thuyền tranh tài đọ sức, tìm ra những tay chèo giỏi. Cuộc đua thuyền rồng (thuyền có gắn đầu rồng bằng gỗ khắc chạm sơn son, thếp vàng ở hai bên mũi, còn thấy ở các tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long) rất hấp dẫn, luôn thu hút hàng vạn người tới dự, cổ vũ náo nhiệt.

2. Mùa Thu.

Khách du lịch Hải Phòng vào mùa thu sẽ được hoà mình vào lễ hội Chọi Trâu rất nổi tiếng, độc đáo ở Đồ Sơn từ xưa đến nay. Hội diễn ra trong 2 ngày từ mồng 8 đến mồng 9 tháng 8 âm lịch, trước Tết Trung Thu một tuần. Lễ nghi thật trang trọng, có lọng che, kiệu rước thần và nhạc phường bát âm diễn tấu rình rang, vang động cả một góc trời để cổ vũ. Ý nghĩa của lễ hội là biểu dương sức mạnh của nông nghiệp.

Mở đầu trận đấu có màn múa cờ tưng bừng do hàng chục nam nữ thanh niên khoẻ mạnh biểu diễn.

lễ hội chọi trâu đồ sơn

Sau tiếng loa, từng cặp trâu vào sới chọi. Có nhiều cặp trâu thi đấu. Chúng xông vào nhau, dùng sức mạnh để húc, ghì, báng và khoá chặt sừng nhau, con nào bỏ chạy là thua. Những con trâu thắng ở ngày đầu sẽ vào chung kết ngày hôm sau, tức ngày mồng 9 tháng 8. Còn giành được giải nhất sẽ được rước về đình giữa tiếng hò reo, cổ vũ vui vẻ,m náo nhiệt của mọi người. Thế nhưng, con thắng cũng như các con thu đều… bị xẻ thịt để cúng thần và chia cho mọi người vì … thịt của chúng là…”lộc”.

Hình thức “chọi trâu” ở Đồ SƠn và lễ “đâm trâu” như người ta thường gọi ở Tây Nguyên là cúng… thần thánh và là tiệc liên hoan của những người sinh sống về ruộng nương. Vì thế, trâu luôn là vật tế thần ở nước ta cũng như theo quan niệm của nhiều dân tộc sống về nông nghiệp trên trái đất này.

3. Mùa Đông.

đền an lư

Hội đền An Lư. Đền An Lư ở xã An Lư, huyện Thuỷ Nguyên, thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo. Hội tổ chức hàng năm vào ngày 11/11 âm lịch. Lễ dâng hương rất trang trọng, có các trò vui như chơi đu, chọi gà, đánh cờ tướng và hát đúm nam nữ thanh niên.

Đánh giá post

Bài viết liên quan

Liên Hệ: 0967246946