Thủ đô Hà Nội được biết có 3 khu được mệnh danh là phố Tây Hà Nội. Khu vực phố Tây nhộn nhịp phải kể đến là tại ngã ba Tạ Hiện – Đinh Liệt – Lương Ngọc Quyến nằm tại khu phố cổ Hà Nội.
Đây cũng là dãy phố đặc thù nằm trong các tuyến du lịch Hà Nội của nhiều công ty du lịch. Nơi đây được xem là khu phố quốc tế, vì có đủ hạng khách du lịch nước ngoài tới từ bốn phương, tám hướng đều đặt chân đến đây.
Phố Tạ Hiện, phố Đinh Liệt và phố Lương Ngọc Quyến cắt giao nhau tập trung nhiều khách nước ngoài đến để vui chơi, giải trí, ăn uống. Dãy phố này kéo dài từ bờ hồ lên tới phố Hàng Buồm mới kết thúc. Tuy nằm trong khu vực tương đối khuất nhưng dãy phố lại là trung tâm thu hút khách nước ngoài, đa số là các vị các vị khách đến từ phương Tây.
Dãy phố này không phải là khu tập trung những cửa hiệu, khách sạn hạng sang. Chỉ có những quán xá giản dị. Đúng ra là một ngõ bình dân còn nguyên vẻ của một khu phố cổ Hà Nội còn rất đặc trưng. Những ngôi nhà xưa có mái ngả màu thời gian nằm dọc theo dãy phố chỉ cao một hai tầng, được dựng lên từ những năm đầu của thế kỷ 20.
Một nhà báo nữ ở Hà Thành, Nguyễn Thị Việt Hà đã viết trong bài phóng sự “Phố Tây giữa lòng Hà Nội”
“Ngay từ khi mới xây, những ngôi nhà này vốn đã khiêm nhường, nhỏ bé. Bây giờ người ta tiếp tục cắt vụn chúng ra thêm nhiều lần nữa để ở, để mở văn phòng cho thuê xe đạp, xe máy, ô tô du lịch, văn phòng môi giới du lịch và nhất là bán cafe, tiệm ăn fastfood… và thế là nhà hàng, quán xá nào nằm dọc đôi bên dãy phố này cũng nho nhỏ.
Khung cảnh ngày và đem ở phố Tạ Hiện và Đinh Liệt của phố Tây Hà Nội là hoàn toàn khác nhau. Vào buổi ban mai, tất cả các quán cafe chỉ ồn ào trong vài chục phút khi những người nước ngoài vào đây ăn vội buổi sáng. Nhiều khi, bữa lót dạ của họ chỉ là một ly cafe đầy ụ đá và một tấm bánh mì “made in Ha Noi”. Sau đó, họ lần lượt ra đi, trả lại cho cả dãy phố cảnh tượng đa phần trầm lắng, trả lại những quán cafe cả loạt ghế trống và cô chủ quán lại có thì giờ để coi tivi, ngồi đọc báo.
Nhưng khi trời vừa chập tối, những người phục vụ trong quán nào cũng vắt chân lên cổ mà chạy từ bàn này sang bàn khác, bởi các vị khách nước ngoài đã nườm nượp trở về sau cả ngày dạo bộ khắp Hà Thành hoặc đạp xe đi thăm các khu du lịch, di tích “vệ tinh” và ghé vào nghỉ chân.
Những chiếc ghế trong quán của phố Tây Hà Nội lại lấp kín. Tiếng lao xao trò chuyện pha lẫn với tiếng nhạc du dương cứ kéo dài không ngớt cho mãi tới khuya.
Từ lâu, dãy phố này cùng các phố Lương Văn Can, Hàng Bạc… đã được nhiều người gọi là “phố Tây”. Bởi hầu hết những gì xuất hiện trên những phố này dường như chỉ nhằm mục đích duy nhất là phục vụ khách nước ngoài, từ cho Tây thuê xe đạp, mô tô, ô tô đến những cửa hàng Internet dành cho Tây, những khách sạn dành cho Tây và hàng chục trung tâm, công ty môi giới tour quốc tế…
Mặc dù không sang trọng gì hơn những phố Hàng Trống, Hàng Hành, Bảo Khánh, nhưng du khách nước ngoài vẫn không ngớt đổ về khu phố này. Trong khi đó Bảo Khánh và Hàng Hành dẫu nhộn nhịp ngày song đa phần vẫn là khách người Việt.
Chưa ai lý giải được điều ấy. Bởi giữa hai khu phố này chỉ có vài bước chân, lại cùng là phố phường Hà Nội, cùng có xích lô, cafe bar, cùng gần bờ hồ. Có phải là do những “phố Tây” chật hẹp ấy còn mang đậm những màu sắc của một thời gian lịch sử đã lùi vào quá khứ.
Hẳn những du khách nước ngoài tìm đến đây không phải chỉ để thưởng thức hương vị cafe Việt mà còn để nhâm nhi cái không gian mùi rêu, để ngắm những “không gian sống” vô cùng đặt biệt của người Hà Thành diễn ra thật tự nhiên trên các vỉa hè, bà già mái tóc ngả màu như cước bán bôi chén chè nóng hổi và đăm chiếc kẹo lạc đựng trong chiếc lọ thuỷ tinh, những cô gái cặm cụi giặt quần áo ngay gốc si già rậm rạp, những gánh hàng rong chao qua đảo lại cùng lời mời gọi ngọt ngào.