Làng Đa Sỹ nằm bên dòng sông Nhuệ, quận Hà Đông, nổi tiếng với nghề rèn truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ. Đa Sỹ trước đây là một vùng đất địa linh nhân kiệt, trong lịch sử đã từng là nơi xuất thân của những danh y, tiến sỹ, tướng tài, trạng nguyên nổi danh kinh thành Thăng Long.
Sở dĩ làng mang tên này bởi có nhiều người đỗ tiến sỹ, là một làng học nhưng cũng là một làng nghề nổi tiếng là nghề rèn. Tất cả những đồ dùng sắt trong các gia đình ở vùng Hà Đông xưa đều do người thợ rèn Đa Sỹ sản xuất.
Làng Đa Sỹ thu hút nhiều du khách đến thăm quan. Đầu làng có ngôi miếu cổ, toạ lạc trên một khu đất rộng, cảnh quan tĩnh mịch, xưa là Thái y viện. Ở đây có vườn thuốc và là nơi báo chế thuốc của cụ Hoàng Đôn Hoà. Một danh y và là một võ tướng thời Hậu Lê, sau được làng Đa Sỹ thờ làm thành Hoàng. Sinh thời cụ Hoàng Đôn Hoà đi sứ nhà Thanh, được vua Thanh tặng những kỷ vật quý còn được lưu giữ ở làng.
Khi đến thăm quan làng Đa Sỹ ngày nay, chúng tôi được cụ Trịnh Quốc Hoàn chia sẻ “Trước đây ông Hoàng Đôn Hoà đã để lại một tác phẩm y học nổi tiếng để cứu người là “Hoạt Nhân Toát Yếu”, gồm hàng ngàn bài thuốc quý giá. Sau này cụ Trịnh Đôn Phác lấy bài thuốc này đã cứu giúp được nhiều người bệnh và Trịnh Đôn Phác trở thành người đứng đầu Thái Y Viện và ông chính là thầy của Ngô Thì Nhậm, Lưu Hy Thái, sau này cả hai đều đỗ Tiến Sỹ.
Ngày nay khi về làng Đa Sỹ du khách sẽ ngỡ ngàng về sự thay đổi, của một làng nghề thủ công năm xưa. Những con đường đất, gạch cũ xuống cấp đã được bê tông hoá, cạnh đó là những toà cao tầng mọc lên san sát nhau. Dù thay đổi, nhưng nơi đây vẫn có một số hộ giữ nguyên nghề truyền thống, có dịp du lịch tại Hà Nội du khách có thể tìm hiểu thêm.