Hàng năm, đám rước Cộ Bà (Thiên Hậu Thánh Mẫu) được tổ chức một cách hoành tráng tại tp Thủ Dầu Một. Vào lúc sắp bế mạc lễ hội, sau khi chiếc đèn lồng cuối cùng đã được trao cho nhà hảo tâm vừa thắng trong cuộc đấu giá, một đoàn lân gồn 20 con lân, sư tử, kể cả kỳ lân, hẫu từ phía cửa tam quan kéo nhau và sân chùa để biểu diễn “chúc bà” trong tiếng trống dồn dập, tiếng phèng la vang dội cùng tiếng hò reo, cổ vũ của đám đông. Nối tiếp đoàn lân,m sư tử và rồng là bộ tứ nhân vật Tây Du Ký gồm những người hoá trang làm Tam Tạng, Tề Thiên, trư bát giới và Sa Tăng cùng ban nhạc Triều Châu tiến vào.
Hình ảnh: Thiên Hậu Thánh Mẫu
Vào khoảng nửa buổi chiều, đám rước cộ bà uy nghi bắt đầu diễu hành qua cá đường phố. Xuất phát từ chùa bà, đám rước kéo qua đường Nguyễn Du, Yearsin, Ngã Sáu, Trần Hưng Đạo… theo đường Bạch Đằng dọc bờ sông, vòng qua đường Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, rồi theo quốc lộ 13 về chùa.
Đi đầu đám rước có 4 con hãu của bang Phúc Kiến mở đường với trên 60 thanh niên đồng Phục mang cờ hiệu, “võ trang” kiếm và thanh long đao theo sau. Kế đến là xe chở bộ tứ nhân vật Tây Du Ký, múa may quay cuồng biểu diễn trên xe với nhạc đệm của một dàn nhạc sống.
Lân, sư tử, rồng thuộc các địa phương được bố trí xen kẽ với các đội “gánh cờ” và đội “gánh hoa”. Nói là “gánh cờ”, thật ra là hai người vác hai đầu một lá cờ được lồng cán khoảng 3m x 1m có tua. Có hai lá cờ dài trên nền thiêu chữ Quốc Thái Dân An hoặc là “Thái Bình Thịnh Vượng”. Hai lá cờ này đi liền với nhau. Còn “gánh hoa” thì cũng thật sự là… đội gánh hoa do 20 thiếu nữ bím tóc, mặc đồng phục bằng satin màu, cúc áo gài một bên, gánh hai đầu hai lẵng hoa tươi hoặc là hao vải, đủ màu sắc bằng một đòn gánh thanh nhã, vừa đi vừa nhún như múa.
Hình ảnh: rước cộ Bà
Một dàn nhạc bát âm gồm có kèn, sáo, phèng la, trống, đàn tranh, đàn kìm nối gót.
Kế đến là cộ Bà có bốn mái, hai tầng, lộng lẫy với hai màu vàng đỏ, bên trong có thể bài vị, do 8 chàng trai mặc đồng phục đỏ sẫm, quần có nẹp trắng phụ trách khiêng. Đi liền phía trước cộ bà có 2 chiếc bàn nhỏ,m trên đặt lư hương có 3 cây nhang dài đang cháy. Mỗi bàn do 4 người khiêng. Phía sau cộ bà là những người trong ban Quy tế với lễ phục uy nghiêm, có đoàn lân theo sau tùng vệ.
Ở hai bên Cộ Bà, mỗi bên có 2 người cũng mặc lễ phục đi kèm, làm nhiệm vụ “đổi nhang” cho bá tánh hai bên đường mà đám rước đi qua. Đây là một tập tục khác hẳn với các đám rước ở địa phương khác. Người đi bên cộ nhận những cây nhang đốt sẵn từ hai bên đường người ta đưa vào, đem cắm vào lư hương, rồi lấy cây nhang đang cháy từ lư hương, trao lại cho người vừa đưa. Theo quan niệm của người tổ chức lễ, đây cũng là một cách nhận lộc của Bà.
Phía sau đám rước là dòng người đông đảo gồm cả dân chúng địa phương, trẻ con, những người hiếu kỳ và khách hành hương. Đám rước theo một lộ trình định sẵn không thay đổi, dài chừng hơn 1km.
Hình ảnh: đám rước cộ bà.
Ở hai bên đường phố đoàn rước đi qua, nhà nào cũng có đặt bàn thờ vọng trước hiên, sân nhà, hương hoa, trái cây. Vào mấy năm trước khi có lệnh cấm, pháo cũng được treo bày. Có những nhà treo pháo dây dài hàng 4 hoặc 5 met, loại pháo nồi, pháo trống, từ trên tầng lầu cao thả xuống.
Khi cộ bà vừa đi qua, chủ nhà châm lửa đốt pháo mừng hội, cho nên dù ở xa, người ta chỉ cần nghe tiếng pháo nổ cũng đủ biết được đám rước cộ Bà đã tới đâu rồi.
Đoàn rước về đến chùa Bà vào khoảng 6h chiều. Khi cộ bà đi vào sân chùa, tiếng trống, phèng la, tiếng pháo trở nên vang động, rộn rã một lần nữa như tỏ sự vui mừng báo hiệu lễ hội bà kết thúc. Lúc này mọi người hoan hỉ, từng đoàn tản ra đi ăn uống, các loại xe từng tốp nối đuôi nhau qua các ngả ra về… mọi người hoạc hẹn nhau, hoặc nghĩ ngợi đến lễ hội năm sau.
Đăng bởi: du lịch việt